Vùng biển thuộc xã đảo Tiên Hải còn hoang sơ, không ô nhiễm nên hiện vẫn rất giàu về tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Từ lâu, các hộ dân ở Tiên Hải vẫn chủ yếu áp dụng các mô hình nuôi lồng bè truyền thống với các loài thủy sản như: cá bóng mú, cá bớp, cá chẽm… Do vậy, mô hình nuôi ốc hương là khá mới mẻ với người dân, nhưng cũng đang tạo được một hướng phát triển tích cực cho nghề nuôi trồng thủy sản nơi đây.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vùng biển Tiên Hải, ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải cho biết, môi trường biển ở Tiên Hải ngoài việc phát triển du lịch còn là môi trường tốt cho áp dụng mô hình nuôi ốc hương. Cách đây hai năm, một số doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đã về đây khảo sát và xác định đây là môi trường rất thuận lợi cho quá trình sinh trưởng của ốc hương, một loài có giá trị kinh tế hàng đầu trong số các loài thủy sản nuôi trồng. Thường thì vùng biển nuôi ốc hương lý tưởng nhất là vùng nước sạch, yên tĩnh và có cát trắng mịn để ốc dễ vùi mình xuống trong cát ăn thêm rong rêu.
Thực tế, vùng biển Tiên Hải có bãi cát với độ nước sâu, điều này sẽ ngăn cản việc thẩm thấu nước ngọt khi mưa xuống, giúp đảm bảo an toàn cho ốc hương phát triển. Sau khi khảo sát, các doanh nghiệp đã triển khai nuôi thí điểm và bước đầu có được thành công, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Giữa một vùng trời nước mênh mông, nước biển trong vắt nhìn thấu tận đáy, ông Phạm Thiện Nhân, chủ cơ sở nuôi ốc hương ở ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải, chia sẻ: “Tôi nuôi ốc hương từ năm 2006 ở huyện đảo Phú Quốc, chuyên sản xuất ốc hương giống. Tháng 12/2017 tôi bắt đầu triển khai nuôi ốc hương tại xã đảo Tiên Hải vì biết đây là môi trường phù hợp với ốc hương”.
Ông Nhân cũng như các cơ sở nuôi ốc hương khác ở Tiên Hải sau quá trình triển khai mô hình đều khẳng định vùng biển này khá êm dịu, không có độc tố, nguồn lợi thủy sản còn nhiều, sẵn có trong tự nhiên để làm thức ăn sạch cho ốc hương. Ngoài ra, mô hình nuôi ốc hương của ông Nhân luôn được chính quyền xã Tiên Hải cũng như Đồn Biên phòng Tiên Hải ủng hộ, tạo điều kiện.
Ốc hương giống trước khi thả nuôi.
Theo ông Nhân, thời điểm thả ốc hương tốt nhất vào lúc trời chiều, tránh mặt trời thì tỉ lệ ốc sống rất cao. Trên diện tích mắt nước 2.500m2, cách bờ khoảng 300m ở độ sâu 3m, ông Nhân cho thả khoảng 4 triệu con ốc hương, nuôi mỗi vụ nuôi từ 3-5 tháng, thu hoạch khoảng 20 tấn/vụ. Do tự sản xuất con giống nên sau khi trừ chi phí nhân công, thức ăn, mỗi vụ ông Nhân lãi khoảng 60% vốn ban đầu, lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng.
Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi ốc hương, ông Nhân chia sẻ, giai đoạn hai tháng đầu cho ốc hương ăn cua để có nhiều canxi, giúp phần vỏ phát triển và chắc khỏe. Ốc hương bước sang tháng thứ ba bắt đầu cho ăn cá để phát triển phần thịt. Thường thức ăn của ốc hương là cá cơm xay nhuyễn vì ốc hương không thích nuốt mồi vào bụng như cá, mà chỉ hút chất dinh dưỡng trong mồi. Ốc hương cần được cho ăn hai lần trong ngày, sáng và chiều tối. Trong khi cho ăn cần để ý khi nào ốc hút dinh dưỡng xong thì phải vớt mồi ra, tránh cho nguồn nước bị ô nhiễm.
Hiện giá bán bình quân của ốc hương trên thị trường là 300.000 đồng/kg, đầu ra ốc hương nuôi tại xã đảo Tiên Hải là trong nước, chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Phú Quốc.