Sau khi Úc có lệnh tạm ngưng nhập khẩu tôm để bảo vệ ngành tôm nội địa bị lây lan bệnh đốm trắng, không quá khó khăn để nhận ra phía Úc đã nhiều lần điều chỉnh lệnh này theo hướng nới lỏng cho phía Việt Nam. Không phải ai cũng biết vì sao con tôm Việt Nam lại nhận được sự “ưu ái” này.
Nhìn lại câu chuyện, vào cuối năm 2016, bệnh đốm trắng trên tôm tại các trang trại ở Đông Nam bang Queensland nước Úc bùng phát mạnh. Ngay lập tức, qua đầu năm 2017, Úc có lệnh tạm ngưng nhập khẩu tôm từ các nước. Hệ quả là nhiều hợp đồng đã ký của doanh nghiệp bị trả về.
Theo tính toán của doanh nghiệp, cứ mỗi lô hàng bị trả về, doanh nghiệp bị thiệt hại từ 1,6-1,8 triệu đô la Mỹ. Các doanh nghiệp cho rằng những quy định của Úc là quá khắt khe, bởi có những nội dung có thể nới lỏng mà vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Vì thế, khối doanh nghiệp cũng “bóng gió” rằng Việt Nam cần phải phát đi một thông điệp “trả đũa”, như một cách để phía Úc xem xét lại lệnh tạm ngưng nhập khẩu tôm.
Trong vai trò của mình, những người đứng đầu hai bộ có liên quan là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có những công văn cũng như những buổi làm việc trực tiếp với phía Úc. Sau đó, Úc đã mấy lần điều chỉnh - nới lỏng lệnh tạm ngưng nhập khẩu. Và đến cuối tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc có thông báo đưa ra khỏi danh mục tạm ngừng nhập khẩu 7 sản phẩm, trong đó có tôm tẩm ướp và thịt tôm tẩm ướp chưa nấu chín của Việt Nam.
Nói về câu chuyện này, một vị lãnh đạo trong ngành nông nghiệp cho rằng ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam có thế trong đàm phán với Úc. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy năm 2016, Úc trở thành thị trường số 1 về xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam khi chiếm hơn 40% trong số gần 4,8 triệu tấn lúa mì được nhập về trong cả năm. Năm nay, lượng lúa mì xuất khẩu của Úc sang Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập 1,5 triệu tấn lúa mì từ Úc. Đây là con số rất lớn nếu so sánh với thời điểm cách nay khoảng 10 năm, lượng lúa mì Úc xuất sang Việt Nam chưa đạt đến con số 400.000 tấn. Cho nên, Việt Nam cũng có những “con bài ẩn” để có thể đạt được những kỳ vọng của mình trong đàm phán.
Nhìn chung, giữa các nước luôn có những “cuộc chiến” thương mại mà ở đó, mỗi bên phải tìm ra cách tự bảo vệ mình cũng như để giúp khơi thông hoạt động, thúc đẩy giao thương giữa các bên.
Mấy tháng trước, Việt Nam có lệnh tạm ngưng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản từ Ấn Độ vì nhiễm mọt sống nguy hiểm. Ngay sau đó, Ấn Độ cũng có động thái “trả đũa thương mại” bằng việc cấm một số mặt hàng nông sản từ Việt Nan như hồ tiêu, cà phê. Kết quả, nhiều lô hàng hồ tiêu, cà phê không thể làm thủ tục hải quan để xuất khẩu. Trước tình thế ấy, Việt Nam một mặt lên tiếng phản ứng quyết định của phía Ấn Độ, nhưng mặt khác, cũng “xuống nước” điều chỉnh lại quy định của mình theo hướng nới lỏng lệnh tạm ngưng nhập khẩu đối với hàng hóa Ấn Độ.
Nhận định về tình huống này, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cho rằng Việt Nam dù làm đúng theo thông lệ quốc tế nhưng đã không thể “áp đặt” được quyết định của mình lên đối tác. “Trong giao thương, bên mua hàng, đặc biệt khi họ mua số lượng lớn, họ có quyền đưa ra những điều khoản, những quy định khắt khe nếu muốn trả đũa vấn đề nào đó. Trong câu chuyện này, phía Ấn Độ đã thể hiện được quyền lực mềm của mình”, ông nói.
Và Việt Nam đã học được bài học về quyền lực mềm trong đàm phán thương mại.
Trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 8, có thể nhận thấy trong những năm tới, nông sản vẫn đem về một nguồn ngoại tệ đáng kể cho Việt Nam. Đây là những mặt hàng rất dễ bị bên nhập khẩu đưa ra hàng rào kỹ thuật để kiểm soát. Vì thế, Việt Nam cần biết đâu là thế mạnh, đâu là quyền lực mềm của mình để có những “đối sách” phù hợp với đối tác trên tinh thần biết người, biết ta để kéo giảm thua thiệt cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, một công ty xuất khẩu nông sản, trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, việc những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam phải đối diện ngày càng nhiều những rào cản kỹ thuật hay những biện pháp trả đũa thương mại là không tránh khỏi. Vì thế, phía doanh nghiệp rất cần đến cái tâm, cái tầm của những nhà quản lý.