Của đau con xót, không ít hộ nhắm mắt vay mượn tiền đầu tư thức ăn chăm đàn tôm nhưng kết quả thu hoạch lại ôm lỗ hàng trăm triệu đồng.
Nhiều ha mất trắng
Ngày 31/7, một số hộ nuôi tôm ở xã Thạch Bàn và Thạch Long, huyện Thạch Hà, phản ánh đến báo NNVN, vụ tôm xuân hè năm 2017 người nuôi trên địa bàn phải ngậm “quả đắng” vì hầu hết diện tích thả giống tôm thẻ chân trắng của Cty CP thủy sản Thông Thuận càng nuôi càng không phát triển, biểu hiện còi cọc, gây thua lỗ cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long cho hay, ngày 5/5/2017 gia đình ông thả 34 vạn tôm giống trên diện tích 5.500m2. Cũng như các vụ sản xuất trước, quá trình nuôi ông chăm sóc đúng quy trình nhưng qua theo dõi phát hiện tôm càng nuôi càng còi cọc, không phát triển, trong khi lượng thức ăn chúng vẫn “ngốn” đều đều. Nuôi được 86 ngày, ông Cảnh thu hoạch chỉ được 6 tạ tôm, trong khi những năm trước trên diện tích này ông thu đến 6 tấn. “Gọi là thu hoạch nhưng thực tế chỉ để dọn sạch ao hồ chứ gần như mất trắng toàn bộ. Khi bán vì tôm quá nhỏ nên giá chỉ được từ 35.000 – 65.000đ/kg, tính ra vụ tôm vừa rồi tôi lỗ gần 100 triệu đồng”, ông Cảnh chua xót.
Theo ông Cảnh, tổng chi phí đầu tư nuôi 2 ao tôm vừa qua hết hơn 120 triệu đồng, trong đó tiền mua giống hết hơn 32,6 triệu (Cty khuyến mãi 50% giá giống) nên gia đình phải trả hơn 16 triệu đồng.
Hộ ông Cảnh thiệt hại gần 100 triệu đồng vì ao tôm gần như mất trắng
Chung cảnh ngộ, hộ ông Trần Văn Khánh, cùng thôn được đánh giá thiệt hại nặng hơn. Gia đình ông không thuộc diện được khuyến mãi tiền giống nên ông phải bỏ gần 40 triệu đồng mua 40 vạn con tôm thả nuôi trên diện tích 5.000m2; chi phí thuốc men, thức ăn hết trên dưới 100 triệu đồng nữa, tính sơ sơ tổng mức đầu tư chưa tính công chăm sóc, thu hoạch ngót nghét hơn 140 triệu, vậy nhưng thu hoạch chỉ được 2 tạ tôm, bán với giá 60.000đ/kg, tổng doanh thu được vỏn vẻn 12 triệu đồng.
Cách ao nuôi gia đình ông Khánh không xa là diện tích của hộ ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Dũng là một trong những hộ nuôi tôm có thâm niên, kinh nghiệm ở Thạch Long. Tháng 4/2017, gia đình ông thả nuôi thâm canh 50 vạn tôm giống của Cty CP thủy sản Thông Thuận/8.000m2 và nuôi quảng canh 30 vạn con/6ha. Quá trình nuôi ông theo dõi sát sao tình hình sinh trưởng của tôm, tuy nhiên khác với những mùa vụ trước, năm nay tôm chậm lớn bất thường. Sau hơn 3 tháng nuôi trồng, ông thu hoạch được 1,3 tấn (giảm 1,7 tấn so với các vụ nuôi trước), thiệt hại ước trên dưới 70 triệu đồng.
Nghi ngờ do giống
Sau khi phát hiện tôm chậm lớn bất thường, các hộ nuôi trồng đã phản ánh lên chính quyền các cấp. Ngày 31/7, ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà thông tin: “Phòng đã nhận được phản ánh của một số hộ dân về việc nhiều diện tích thả nuôi tôm giống của Cty CP thủy sản Thông Thuận trong quá trình nuôi chậm lớn, còi cọc. Ngay sau đó phòng Nông nghiệp đã phát văn bản yêu cầu các xã rà soát, cung cấp số liệu về lượng giống thả, diện tích thả nuôi và kết quả nuôi đến thời điểm hiện tại bằng nguồn giống tôm thẻ chân trắng mua từ Cty Thông Thuận, báo cáo về phòng trước ngày 4/8”.
Những năm trước tôm phát triển tốt bình quân mỗi ha đạt 4 – 5 tấn
Đến thời điểm này, việc làm rõ nguyên nhân vì sao tôm chậm lớn đang phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc, tuy nhiên, theo nhận định của các hộ nuôi trồng thì chất lượng tôm giống của Cty Thông Thuận kém.
Ông Nguyễn Văn Cảnh nói: “Tôm càng nuôi càng èo uột, còi cọc. Theo tôi nguyên nhân là do chất lượng tôm giống chưa đạt. Tất nhiên, năm nay có thể do điều kiện thời tiết bất thuận nên tôm phát triển kém hơn nhưng so sánh sự phát triển của giống tôm Thông Thuận và các Cty khác thì tôm Thông Thuận gần như không phát triển”. Cụ thể, bình quân trọng lượng tôm nuôi 3 tháng của hộ ông Cảnh khi thu hoạch phải hơn 150 con mới được 1kg; thậm chí có mẻ lên đến 300 – 400 con/kg. Trong khi giống của các doanh nghiệp khác thu đạt trọng lượng 80 – 90 con/kg, nơi nào kém cũng chỉ 120 con/kg.
Đối với hộ ông Dũng, vì có kinh nghiệm nuôi thâm canh nên trước đây thường 2,5 tháng ông thu hoạch tôm đạt trọng lượng 80 - 90 con/kg; nhưng bây giờ nuôi 3 tháng cũng phải 130-150 con mới được 1kg.
Bức xúc trước việc Cty Thông Thuận thờ ơ với những thiệt hại của người nuôi trồng, ông Trần Văn Khánh nói: “Sau 2 tháng thả nuôi, phát hiện tôm chậm lớn ông báo với anh Thạch – cán bộ Cty CP thủy sản Thông Thuận. Sau khi kiểm tra, anh Thạch nói tôi xả đi đừng nuôi nữa vì tôm bố mẹ bị lỗi nên nuôi không lớn được đâu. Thật vô lý, biết giống không tốt sao lại bán cho dân (?!)”.
Được biết, xã Thạch Long có 4 hộ lấy tôm giống của Cty Thông Thuận có tỷ lệ phát triển kém, ngoài ra xã Thạch Bàn cũng có gần 10 hộ có diện tích nuôi tôm chậm lớn, thiệt hại nặng.
Ông Nguyễn Văn Cảnh: “Nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi bây giờ là cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vì sao tôm chậm lớn và có giải pháp hỗ trợ bà con để tái sản xuất vụ tôm mới”.