Theo đó, với mô hình nuôi Cá Dĩa thương phẩm Khuyến nông đã hỗ trợ quy mô 20m3 bể kiểng/03 hộ (8.000 con giống) tại 02 phường Hiệp Thành và Thái An, với số vốn đầu tư hơn 99 triệu đồng, vốn nông dân đối ứng hơn 40 triệu đồng. Sau 01 năm triển khai, kết quả mô hình đạt khá cao, về tỷ lệ sống đạt 55% (tăng 5% so với đề cương), sản lượng đạt 4.400 con (tăng 400 con so với đề cương), lợi nhuận mô hình trên 210 triệu đồng (đạt 59,8%); Về Mô hình sản xuất giống cá Ông Tiên, Khuyến nông hỗ trợ 400m2 hồ xi măng lót bạt nhựa/02 hộ ở phường Thạnh Xuân (240 cá bố mẹ), số vốn đầu tư 12 triệu đồng, nông dân đối ứng 18 triệu đồng, kết quả sau 01 năm triển khai mô hình lợi nhuận trên 62 triệu đồng. Từ kết quả của 02 mô hình, cho thấy cá cảnh là một trong những đối tượng nuôi phù hợp với nền nông nghiệp mới theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại Thành phố nói chung và Quận 12 nói riêng.
Theo ghi nhận của các hộ tham gia mô hình và ngoài mô hình đều đánh giá cao nghề nuôi cá cảnh ở Thành phố nói chung và Quận 12 nói riêng là một trong nghề được nông dân đô thị quan tâm, bởi không chiếm nhiều diện tích, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với nhiều lao động nhàn rỗi,… nên cần nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Nhưng để nâng cao chất lượng mô hình, Khuyến nông nên có nhiều nghiên cứu về con giống hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và sắp xếp thời gian triển khai phù hợp hơn, giúp nâng cao hiệu quả cao kinh tế của người dân ngày càng hiệu quả hơn.
Anh Lữ Văn Dánh (94/4 Khu phố 1, Phường Hiệp Thành, Quận 12) chia sẻ: “Tp.HCM là địa phương có nguồn nước và khí hậu thích hợp để nuôi cá cảnh, nên khi triển khai mô hình, nông dân có nhiều điều kiện thuận lợi thực hiện tốt. Nhưng mong rằng, thời gian tới Khuyến nông nên tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian giao giống để nông dân triển khai phù hợp hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường”.
Ông Nguyễn Hữu Bình – Chủ tịch Hội nông dân phường Hiệp Thành – Quận 12, phát biểu: “Quận 12 là một trong những quận đô thị hóa nhanh, nên nông nghiệp truyền thống không còn phù hợp, vì vậy mô hình nuôi cá cảnh do Khuyến nông hỗ trợ là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị, giúp nông dân phát triển tốt, thực hiện đúng theo chủ trương của Thành phố về phát triển nông nghiệp trong thời đại mới. Bởi nuôi cá cảnh không chiếm nhiều diện tích, không kén lao động, đầu ra ổn định,… Mong rằng thời gian tới Khuyến nông tiếp tục nâng cấp chất lượng con giống, giúp nông dân có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao hơn nữa”.
Bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM nhận định: “Cá cảnh là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với ngành nông nghiệp đô thị của Thành phố nói chung và Quận 12 nói riêng. Do đó, mong bà con nông dân tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình, để phát triển nghề nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế. Riêng Khuyến nông Thành phố ghi nhận ý kiến của lãnh đạo địa phương và nông dân, thời gian tới sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, nâng cấp chất lượng con giống phù hợp với thị trường, giúp nông dân có điều kiện phát triển ngành nghề. Nhưng nhằm giúp nông dân nuôi cá cảnh trên địa bàn có điều kiện, giao lưu, kết nôi phát triển, tạo đầu ra ổn định,… đề nghị Trạm Khuyến nông Quận 12 nên có kế hoạch thành lập Tổ hợp tác hoặc CLB cá cảnh, mà thành viên trong CLB nên có lực lượng Khuyến nông tham gia để sâu sát hơn với nông dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và kịp thời hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa về chuyên môn, kỹ thuật cũng như các vấn đề liên quan khác đến ngành cá cảnh, giúp các hộ nuôi phát triển ngành nghề phù hợp với nông nghiệp hiện đại trong thời kỳ 4.0.”