Từ nguồn nguyên liệu địa phương
Theo bà Lượng Thị Chung - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy, cá rô phi rất dễ nuôi, sống được trong điều kiện môi trường và độ mặn tương đối cao. Đây là loại có thể thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nhiệt độ cần thiết cho sự phát triển của cá rô phi từ 20 - 32oC. Khả năng chịu đựng với biến đổi nhiệt độ rất cao từ 8 - 42oC. Cá có khả năng sống trong môi trường nước sông, suối, đập tràn, ao hồ nước ngọt, lợ và cả mặn. Trong môi trường nước lợ, độ mặn khoảng 10 - 25%o cá tăng trưởng nhanh, mình dày, thịt thơm ngon.
Cách đây 3 năm, từ hộ kinh doanh cá thể với sản phẩm là cá khô một nắng, đến nay công ty đã có nhà xưởng sơ chế và kho cấp đông. Ký hợp đồng cung cấp sản phẩm ổn định với Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 22 lao động ổn định, đặc biệt là lao động nữ. Sản phẩm của công ty hiện có là cá rô phi một nắng, lù đù một nắng, cá bông lau một nắng, cá lưỡi trâu một nắng. Nhiều thiết bị được trang bị mới như: kho lạnh, máy hút chân không, máy đóng góp, máy xay nén viên và sấy thức ăn, máy bơm và các dụng cụ sơ chế với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng. Hiện công ty mua nguyên liệu với hai hình thức thu mua cá biển từ thương lái và thu mua từ 20 hộ dân ở xã Thạnh Phong.
Mở rộng thị trường và xuất khẩu
Để mở rộng sản xuất, công ty đầu tư gần 3,21 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn AMD hỗ trợ 1,445 tỷ đồng, chiếm 45% vốn đầu tư; khoản vốn đối ứng của công ty là 1,764 tỷ đồng, chiếm 55% vốn đầu tư. Công ty liên kết tạo vùng nguyên liệu ổn định tại xã Thạnh Phong, An Điền, Mỹ An (Thạnh Phú) với sản lượng nguyên liệu 23 tấn/năm, có 150 hộ hưởng lợi từ dự án. Trong đó, số hộ liên kết mới 130 hộ, có 40 hộ nghèo, cận nghèo, nữ làm chủ hộ; lợi nhuận bình quân của các hộ cung ứng nguyên liệu là 12 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động 36 triệu đồng/năm.
Thị trường của công ty hiện nay là một số tỉnh, thành trong cả nước, trong đó thị trường chính là TP. Hồ Chí Minh, khả năng phát triển sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, thông qua các công ty xuất khẩu ủy thác. Đến năm 2021, ngoài thị trường TP. Hồ Chí Minh, công ty sẽ cung cấp các sản phẩm vào các siêu thị và hướng đến xuất khẩu. Công ty sẽ thu mua nguồn nguyên liệu trên toàn xã và mở rộng sang các xã lân cận, góp phần hạn chế tình trạng thương lái ép giá nông dân. Mặt khác, công ty sẽ thuê kỹ thuật hướng dẫn nông dân nuôi đạt yêu cầu chế biến và xuất khẩu; đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn để tạo ra nhiều sản phẩm nhằm phục vụ đa dạng khách hàng.
“Chiến lược của công ty trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị và nhà xưởng nhằm chủ động sản xuất, tạo ra sản phẩm mới để gia tăng giá trị cho cá rô phi. Phát triển thêm các liên kết với nông dân nhằm tăng năng lực sản xuất, tăng sản lượng đủ sức đáp ứng nhu cầu lớn hơn của khách hàng. Duy trì và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm của công ty đến khách hàng. Phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên”, bà Lượng Thị Chung - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy cho biết.