Cụ thể, về người đã có 112 người chết và mất tích, 81 người bị thương. Có 929 nhà bị đổ, sập và 27.819 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và 19.322 nhà bị ngập nước. Ở lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, có tới 182.018 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 13.405 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 21.607 con gia súc và 227.750 con gia cầm bị chết; hơn 8.321 ha thủy sản bị ngập, thiệt hại...
Ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết: Đầu tháng 7 mới chỉ là giai đoạn bắt đầu vào mùa thiên tai, mưa bão. Số lượng các đợt mưa và các cơn bão còn tương đối nhiều. Cụ thể, sẽ có khoảng 8 – 10 cơn bão hoạt động trên khu vực biển Đông, trong số đó có 4 – 5 cơn sẽ ảnh hưởng vào đất liền.
Cuối năm 2017, tới tháng 12 vẫn còn dồn dập các cơn bão đổ bộ. Năm nay, số lượng các cơn bão cuối năm sẽ ít hơn so với năm 2016 và 2017. Thay vào đó, các cơn bão sẽ tập trung vào giữa mùa mưa bão, chủ yếu trong giai đoạn tháng 9 và tháng 10.
Cũng theo ông Lâm, riêng ở khu vực Nam Bộ, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Trung Bộ trong năm 2018 sẽ gay gắt hơn năm 2017. Giai đoạn bắt đầu sẽ là tháng 12-2018 và khả năng sẽ gay gắt nhất vào giai đoạn tháng 1 đến 3-2019.