Trùng loa kèn là loài nội ký sinh trùng hay ngoại ký sinh trùng?
Trùng loa kèn có hình dạng cơ thể phía trước lớn, phía sau nhỏ, có dạng hình loa kèn, hình chuông lộn ngược, nên được gọi là trùng loa kèn. Đa phần phía trước cơ thể trùng có 1-3 vòng lông rung và khe miệng, phía sau ít nhiều đều có cuống hoặc đế bám để bám vào ký chủ hay bất kỳ giá thể khác.
Một số giống hình thành tập đoàn (Epistylis, Zoothamnium,...), các cá thể được liên kết với nhau bởi cùng một nhánh và bám vào tôm cá. Đối với những giống sống riêng từng cá thể như Apiosoma, Scyphidia cũng dùng đế bám vào thân cá.
Trùng loa kèn hấp thu chất dinh dưỡng bằng cách lọc trong môi trường nước. Chúng được liệt vào danh sách những loài ngoại ký sinh trùng gây hại cho tôm cá.
Quá trình sinh sản hai giai đoạn của trùng loa kèn
Trùng loa kèn có giai đoạn sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.
Trùng loa kèn hấp thu chất dinh dưỡng bằng cách lọc trong môi trường nước
Trùng sinh sản vô tính
Trùng sinh sản vô tính bằng hình thức cắt đôi theo chiều dọc cơ thể. Trùng trưởng thành khi bắt đầu quá trình sinh sản thì tế bào chất ở phía trước cơ thể hình thành một khe hở có hình vòng cung, khe hở tiếp tục phát triển xuống phía dưới hình thành đường rãnh và dần dần khép kín bao lấy khối tế bào chất bên trong. Xung quanh khối tế bào chất mọc 2-3 hàng lông tơ ngắn ngăn cách phần nguyên sinh chất ở trong và tế bào chất ở ngoài tạo thành mầm phôi của ký sinh trùng.
Trùng sinh sản hữu tính
Giai đoạn sinh sản hữu tính bằng hình thức tiếp hợp, thường cơ thể nhỏ bám gần miệng cơ thể lớn. Mầm phôi chuyển động chậm chạp trong cơ thể mẹ, sống tự do. Ấu trùng có dạng gần nửa hình cầu, kích thước 20m. Nhờ có lông tơ nên trùng vận động mạnh giống như trùng bánh xe. Ấu trùng sống tự do trong nước một thời gian rồi bám vào da, mang, vây cá và phát triển thành trùng trưởng thành.
Dấu hiệu khi tôm cá mắc bệnh do trùng loa kèn gây nên
Các loại ký sinh trùng nguyên bản vốn sống tự do với phương thức sinh tồn là sống bám vào cơ thể sinh vật khác. Vì thế chúng luôn phải tìm cho mình một vật chủ.
Có 2 hình thức ký sinh vào vật chủ là ngoại ký sinh (bên ngoài vật chủ) và nội ký sinh (bên trong cơ thể vật chủ). So với ngoại ký sinh dễ phát hiện thì nội ký sinh rất khó nhìn thấy cũng như xử lý. Vì thông thường trùng nội ký sinh sẽ ẩn nấp và sinh sản trong cơ thể vật chủ liên tục cho đến khi đạt được số lượng lớn và tràn ra ngoài. Lúc này thì tình trạng gần như đã không còn cứu vãn được.
Biểu hiện ở tôm
Trùng loa kèn thường bám vào thân và các phần phụ của tôm. Để nhận biết loại trùng này chúng ta chỉ cần quan sát kỹ các bộ phận bên ngoài là được. Trùng loa kèn sẽ không hại với tôm khi xuất hiện với số lượng ít. Tuy nhiên, khi trùng loa kèn sinh sản với số lượng lớn tôm thường có các biểu hiện điển hình của bệnh đóng rong trên tôm từ nhẹ tới nặng như sau:
- Tốc độ bơi chậm chạp, thường xuyên tấp bờ.
- Có thể gây nên hiện tượng đục cơ ở lưng hoặc đốt cuối cơ thể.
- Tôm bị mất phụ bộ.
- Cơ thể tôm nhợt nhạt và chậm lớn.
- Mang tôm bị thương tổn và chuyển dần màu sắc sang đen.
- Vỏ tôm có nhớt nhiều như một lớp rong đóng trên bề mặt.
- Toàn thân bị xơ tập trung ở phần đầu ngực, mang và phụ bộ.
- Trên vỏ tôm thường xuất hiện màu xanh của tảo, màu đen của nước, hoặc màu xám khói hoặc đen như bùn.
- Khi tình trạng chuyển nặng, ký sinh trùng có thể phá hủy vỏ tôm để xâm nhập vào thịt.
Biểu hiện ở cá
Trùng ký sinh trên mang, vây, da của cá. Cá nhiễm bệnh nhẹ không thấy rõ dấu hiệu bệnh lý, cá nhiễm nặng thường trên thân và mang có màu trắng đục.
Trùng bám chặt lên các tế bào mang làm mang tiết ra dịch nhờn, cản trở hô hấp, làm cá thường nổi lên mặt nước. Nếu lượng trùng ký sinh quá lớn sẽ làm cá ngộp thở, yếu sức và chết.
Trùng bám chặt lên các tế bào mang làm mang tiết ra dịch nhờn, cản trở hô hấp, làm cá thường nổi lên mặt nước.
Nguyên nhân và cách phòng trị bệnh ký sinh trùng loa kèn
Trùng loa kèn ký sinh hầu hết ở động vật thủy sản sống trong môi trường nước chứa nhiều vật chất hữu cơ, kết quả này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm sinh học của chúng. Ở những ao nuôi có nhiều chất hữu cơ thường sẽ có trùng loa kèn.
Khi vào thời điểm thời tiết có mưa nhiều, đặc biệt ở khu vực nuôi miền Bắc có lượng mưa trung bình năm cao hơn miền Trung và miền Nam thì dễ có nguy cơ mắc bệnh trùng loa kèn hơn. Trời mưa làm cho các yếu tố (nhiệt độ, độ ẩm) và chỉ số môi trường (pH, nồng độ kiềm, nồng độ khoáng, lượng khí NH3, NO2 ) tăng cao hoặc thay đổi đột ngột khiến cho tôm có thể bị sốc nhiệt và giảm đề kháng.
Sự thay đổi này tạo điều kiện thích hợp cho các mầm bệnh hình thành và bùng phát. Kết hợp với việc sức đề kháng của tôm bị giảm tạo thành bệnh nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến mà tôm cá dễ mắc bệnh do trùng loa kèn.
Vì vậy, cần nên có các phương pháp phòng và trị bệnh cho tôm cá hợp lý như:
- Kiểm tra ký sinh trùng trên da, vây, mang cá giống trước khi thả nuôi.
- Khử trùng nguồn nước khi cấp vào ao và quản lý chất lượng nước trong quá trình nuôi.
- Định kỳ vệ sinh các ao, bể ương nuôi tôm cá.
- Không thả nuôi cá mật độ quá dày.
- Nên bổ sung đủ chất dinh dưỡng để đẩy nhanh quá trình thay vỏ cho tôm.
- Xử lý ao nuôi đã bị nhiễm bệnh một cách triệt để, tránh tình trạng tiếp tục diễn ra ở vụ sau.