Ngọc trai có thể được khai thác từ vùng biển tự nhiên hoặc được nuôi từ vùng nước mặn hay nước ngọt, tuy nhiên trên thực tế cho thấy nuôi trai nước ngọt lấy ngọc được ưa chuộng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của con người trong lĩnh vực trang sức và mỹ phẩm hiện nay.
Việt Nam được đánh giá là nơi thuận lợi cho ngành sản xuất trai ngọc nước ngọt vì có diện tích mặt nước lớn, điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự phát triển của trai ngọc. Hiện tại nghề nuôi trai nước ngọt tập trung ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Theo thực tế từ 10.000 con trai nước ngọt, người nuôi sẽ thu được khoảng 20.000 viên ngọc với giá bán bình quân 200.000-500.000 đồng/viên. Đối với những viên có kích thước lớn, màu sác sáng bóng, bề mặt ngọc mịn, giá có thể lên tới 2.000.000-4.000.000đ/viên. Lợi nhuận thu được có thể lên đến hàng tỷ đồng/năm trong khi chi phí ước tính cho mỗi con trai chỉ khoảng 35.000đ/con.
Tùy thuộc vào nguồn nước, khí hậu, điều kiện nuôi mà người nuôi sẽ lựa chọn giống trai nuôi phù hợp. Hai loài trai nước ngọt đang được sử dụng phổ biến là trai xanh cánh mỏng và trai đen cánh dày. Ưu điểm của hai loại trai này là có tuổi thọ cao, hầu như không có bệnh tật. Trai trưởng thành có kích cỡ lớn 20 - 35cm, trọng lượng khoảng 2kg/con (theo ông Huỳnh Đăng Khôi - Quảng Nam chia sẻ).
Viên ngọc trai có màu sắc đa dạng, thông thường màu ngọc trai nước ngọt nguyên bản có gam màu sáng hơn so với trai nước biển. Theo anh Nguyễn Văn Tùng – Vĩnh Phúc cho biết thêm: “Ngọc trai nuôi nước mặn và nước ngọt cơ bản chất lượng như nhau. Tuy nhiên, màu sắc của ngọc trai nuôi nước ngọt có thêm màu tím và đồng, đây là 2 màu mà trai nuôi nước mặn không có”. Gía trị của viên ngọc trai được đánh giá qua độ bóng, bề mặt láng mịn và màu sắc của ngọc trai.
Màu sắc hạt ngọc trai nước ngọt.
Mô hình nuôi trai lấy ngọc trên các bè phao nổi, giúp cho người nông dân tận dụng được diện tích mặt nước để nuôi ghép với những loài cá khác. Việc nuôi ghép giữa cá và trai nước ngọt không phải tiêu tốn thức ăn vì đã có nguồn thức ăn sẵn có từ các chất thải hữu cơ như thức ăn dư thừa và phân cá thải ra, đồng thời còn làm sạch môi trường nước nuôi. Nhờ đó, việc nuôi trai lấy ngọc kéo dài từ 2-3 năm sau khi cấy nhân không làm hạn hẹp nguồn thu nhập của người dân trong suốt quá trình nuôi.
Ngoài việc nuôi trai lấy ngọc, các bộ phận khác của con trai còn được tận dụng để tạo ra nguồn thu nhập thêm. Ruột trai là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, được chế biến đưa vào các siêu thị, cửa hàng. Hay một lượng chưa qua chế biến dùng làm thức ăn trong chăn nuôi. Vỏ con trai giàu canxi cacbonate được dùng trong công nghiệp sản xuất vôi. Ngoài ra vỏ trai còn được bán để làm nguyên liệu chế tác các đồ khảm trai mỹ nghệ. Bột ngọc trai được sử dụng như một loại “thần dược” trong ngành mỹ phẩm và là một vị thuốc quý trong Đông y.
Bí quyết để nuôi trai lấy ngọc thành công là chú ý quan sát đến các điều kiện tác động đến quá trình phát triển của trai nuôi đặc biệt là nguồn nước và thời tiết khí hậu. Cùng với đó cần phải xác định thời điểm cấy nhân và thu hoạch thích hợp. Ngoài ra, để nuôi trai lấy ngọc thành công còn đòi hỏi người cấy nhân phải có kĩ thuật tốt, sự tỉ mỉ, khéo léo. Tất cả các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống của con trai.
Những đột phá mới trong nghề nuôi trai nước ngọt tại Việt Nam được đánh giá cao như nghiên cứu của Đại tá về hưu Trần Doãn Thiện và những bạn trẻ đã tìm ra bí quyết nuôi tạo ngọc trai đen từ loại trai lứa (Sinanodonta jourdyi) lấy giống từ Lâm Đồng. Sau hai năm từ khi cấy nhân, có thể thu mỗi một viên ngọc trai đen 13-14 mm có giá 1.000-2.000USD. Một “lão nông” khác ở Đồng Nai có tên là Phạm Văn Hướng sau hơn hai mươi năm nghiên cứu về con trai nước ngọt cũng đã tìm ra phương pháp cấy phù điêu vào bên trong con trai.
Nghề nuôi trai nước ngọt so với nghề nuôi tôm, cá có chi phí đầu tư và rủi ro thấp hơn. Bà con có thể tạo ra nguồn thu nhập từ hạt ngọc trai cho đến vỏ trai. Ngoài ra bà con có thể nuôi ghép với các đối tượng khác để có thêm nguồn thu nhập ngay trong quá trinh nuôi trai ngọc.