Vượt khó thành công
Ông Lê Hoàng Sang, Bí thư Huyện ủy Tuy An, cho biết, năm 2016, trên địa bàn huyện Tuy An liên tiếp xảy ra nắng hạn, lũ lụt, dịch bệnh ở người và một số cây trồng, thủy sản, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhờ triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, của Huyện ủy, sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định và phát triển tốt.
Với 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, Tuy An đã đạt và vượt 10 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó nổi bật ở 3 lĩnh vực: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản thực hiện 1.295,3 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch năm, tăng 6,3% so với cùng kỳ; tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 1.340 tỷ đồng; tổng giá trị thương mại - du lịch - dịch vụ 2.019 tỷ đồng.
Khai thác lợi thế lịch sử văn hóa
Tuy An là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Một số di tích địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử như: Thành An Thổ, Đền thờ nhà chí sỹ yêu nước Lê Thành Phương, chùa Đá Trắng, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Cổ Lâm - Hội Tôn… Đặc biệt, đây còn là nơi phát hiện di bộ Kèn Đá – Đàn Đá có niên đại cách đây 2.500 năm. Ẩm thực Tuy An có những món ăn nổi tiếng ở đầm Ô Loan như: sò huyết, hàu,... Những lễ hội, làng nghề truyền thống đã được hình thành từ lâu đời, chứa đựng nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Đặc biệt, Gành Đá Đĩa được xếp vào top 20 điểm đến được du khách yêu thích khi đến Việt Nam.
“Vì thế, việc khai thác di tích lịch sử văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch - dịch vụ của Tuy An được đặt lên hàng đầu. Song song với đó là các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương, giới thiệu cho du khách về lịch sử, văn hóa, nét đẹp của Tuy An, tăng thêm lợi ích kinh tế cho người dân và các đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ. Việc khai thác các di tích phải làm nổi bật những giá trị đặc sắc của di tích đó, tạo ra sức thu hút đối với khách tham quan”, ông Bùi Văn Thanh, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, nhấn mạnh.
Trong năm 2017, huyện Tuy An phấn đấu nâng tổng giá trị nông - lâm - thủy sản; CN-TTCN-XD và thương mại - du lịch - dịch vụ vượt từ 5-10% so với năm 2016; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Trên cơ sở mục tiêu định hướng, năm 2017, Tuy An tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp: lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết TW 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức giá trị các di tích; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước đáp ứng mọi nhu cầu về du lịch - dịch vụ”, ông Thành cho biết.
Mừng xuân Đinh Dậu 2017, huyện Tuy An hân hạnh đón tiếp quý khách xa gần đến với quê hương di sản!