Có điều kiện ...
Là địa phương có diện tích đất bãi triều ven biển tương đối lớn, có nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, người dân có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, TX Quảng Yên có nhiều thuận lợi để phát triển ngành kinh tế thủy sản. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, các ngành, địa phương tập trung phát triển kinh tế thuỷ sản. Nhờ đó, những năm qua ngành thuỷ sản của Quảng Yên đã có bước phát triển tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp của địa phương. Nổi bật, năm 2017, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn thị xã đạt 25.844 tấn, giá trị sản xuất đạt 810 tỷ đồng và chiếm 43% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, đối tượng và hình thức nuôi ngày càng đa dạng, phong phú, phổ biến hiện nay là quảng canh cải tiến đối với tôm sú, cua biển; nuôi bán thâm canh, thâm canh đối với tôm thẻ chân trắng; nuôi nhuyễn thể ở bãi triều và giàn treo. Cùng với đó, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tăng mạnh theo từng năm, do việc phát triển nâng cấp hình thức nuôi từ quảng canh cải tiến lên bán thâm canh và thâm canh tăng nhanh và việc phát triển đối tượng nuôi mới như hầu cửa sông, hà sú…
Cùng với việc đổi mới hình thức, đối tượng nuôi, hạ tầng phục vụ cho ngành thủy sản cũng đã được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Năm 2015, thị xã đã đầu tư xây dựng và lắp đặt trạm biến áp 180KVA-22/0,4KV và đường dây 22KV để cung cấp điện phục vụ khu vực thủy sản tập trung tại phường Hà An.
Những “rào cản” cần sớm tháo gỡ
Ngư dân xã Hoàng Tân thu hoạch hầu, hà neo dây
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hộ gia đình anh Lê Văn Khoa, khu 8, phường Hà An. Trò chuyện với chúng tôi, anh Khoa cho biết: Trước đây phường có chủ trương chuyển đổi diện tích 156ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, gia đình tôi đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu gần 6ha đất để cải tạo thành đầm nuôi tôm. Ban đầu, tôi nuôi quảng canh, rồi chuyển sang nuôi thâm canh. Nhận thấy mô hình nuôi thâm canh có nhiều rủi ro, cuối năm 2017, gia đình tôi đã tìm hiểu và đưa vào sản xuất thử nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích1ha. Ưu điểm mô hình này là kiểm soát tốt dịch bệnh, sản phẩm tôm nuôi tạo ra cho chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi sản lượng cao gấp 3 lần so với nuôi thâm canh. Dù thành công nhưng gia đình tôi chưa dám mở rộng sản xuất vì hiện nay vùng sản xuất của gia đình tôi đang nằm trong vùng nghiên cứu dự án Khu phức hợp Hạ Long xanh của Tập đoàn Vingroup thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có lộ trình thực hiện...
Tâm trạng thấp thỏm của anh Khoa cũng là tâm trạng chung của nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TX Quảng Yên hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hồng Hưng, Phó Phòng Kinh tế TX Quảng Yên, cho biết: Ngành kinh tế thủy sản ở Quảng Yên những năm qua tuy có bước phát triển tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố kém bền vững. Nguyên nhân là do các vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đều đã hết hạn nhưng chưa được điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Hơn thế, hạ tầng các vùng nuôi tập trung chưa đồng bộ, kênh cấp và tiêu còn sử dụng chung. Con giống phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm giống, cua giống chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hàng năm vẫn xuất hiện một số ổ bệnh về đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm ở một số vùng nuôi… Những tồn tại trên khiến sản xuất thủy sản của địa phương còn gặp nhiều rủi ro.
Người nuôi trồng thủy sản ở địa phương mong muốn thị xã trên cơ sở các chương trình, đề án, quy hoạch của tỉnh, sớm tiến hành điều chỉnh quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản tập trung nhằm yên tâm mở rộng sản xuất.