Có dịp về công tác tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của bà con nông dân vùng hạn mặn Tân Phú Đông (Tiền Giang) chúng tôi biết đến anh Ngô Minh Tuấn (44 tuổi) ở ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh. Nghe bà con khen anh Tuấn không chỉ giỏi kinh doanh mà nuôi tôm cũng rất giỏi. Hiện anh đang sở hữu 5 trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng rộng 30ha thành công nhất xứ này.
Gặp gỡ và chuyện trò với anh Tuấn, chúng tôi được biết anh khởi nghiệp từ cửa hàng bán thức ăn thuỷ sản cho người dân nuôi tôm ở địa phương. Vốn gốc nông dân sẵn máu đam mê nông nghiệp nên năm 2015 tìm hiểu và “thử lửa” với con tôm thẻ chân trắng theo quy trình công nghệ cao.
Anh là kỹ sư có chuyên môn lĩnh vực thuỷ sản kết hợp với kinh nghiệm, kỹ thuật được học hỏi nên khi áp dụng quy trình nuôi tôm công nghệ cao khá thành công. Sau mỗi năm tích luỹ thêm vốn anh sang nhượng thêm đất để mở rộng mô hình. Đến nay, anh Ngô Minh Tuấn đã làm chủ 5 trang trại nuôi tôm công nghệ cao với hơn 30 ha đất ở các xã Phú Thạnh, Phú Tân (2 khu) và Phú Đông (1khu).
Trang trại nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Mỹ Tho
Sau một hồi lâu trò chuyện chúng tôi được anh đưa đi tham quan một trong các trang trại sắp thu hoạch. Chúng tôi nhận thấy quy mô lớn đầu tư bài bản, đúng chuẩn. Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, anh dành khoảng 20% diện tích để xây các ao tôm, vách xung quanh bằng bê tông, đáy phủ bạt, mặt ao che lưới. Diện tích đất còn lại là các ao xử lý nước đầu vào, đầu ra đạt sạch đúng quy định. Tính trung bình mỗi ha đất nuôi tôm anh đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng.
Qua hơn 6 năm thực hiện mô hình, anh Tuấn luôn thành công, năng suất tôm đạt từ 45-50 tấn/ha, cao hơn 2 lần so với các mô hình nuôi tôm truyền thống trước đây, lợi nhuận đạt trên 40%. Cụ thể năm 2020, anh thu hoạch tôm được 440 tấn. Riêng năm ngoái do dịch Covid-19 nên cắt vụ, sản lượng giảm còn 360 tấn.
Với tư duy làm kinh tế nhạy bén, anh cho hay luôn tìm và ký kết đầu ra trước khi bắt tay vào sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quanh năm cũng như tránh thừa hàng dội chợ anh thả tôm rải vụ luân phiên giữa các trang trại, nhờ đó giảm được rủi ro do giá cả thị trường biến động. Thành công nhất của mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao này là tỷ lệ tôm sống đến khi thu hoạch đạt hơn 90% nên đảm bảo có lãi.
Chia sẻ bí quyết thực hiện mô hình thành công, anh Ngô Minh Tuấn nói: Quy trình nuôi, con giống phải tốt, phải nuôi nước sạch và nuôi phải đủ điều kiện về ô xy, kiểm tra môi trường hàng ngày và quan trọng nhất là phải có kỹ thuật nuôi. Mô hình nuôi công nghệ cao này giảm rủi ro, không có dịch bệnh, rất an toàn, sản lượng đạt cao hơn.
Anh Ngô Minh Tấn với mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Mỹ Tho
Theo chúng tôi nhận thấy, các trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn là một trong những mô hình có quy mô lớn và đầu tư bài bản nhất vùng ĐBSCL. Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao, anh đã tuyển dụng và đào tạo 40 lao động có tay nghề gắn bó với ao tôm, trong đó có 14 kỹ sư thủy sản có trình độ chuyên môn cao.
Nhờ gắn bó với con tôm thẻ công nghệ cao, gia đình anh Ngô Minh Tuấn đã trở nên khá giả và được mệnh danh là “tỷ phú cù lao”. Theo anh Tuấn chỉ có con tôm công nghệ cao mới giúp nông dân vùng cù lao đổi đời nhưng muốn nuôi thành công là cả một quá trình, đòi hỏi người nông dân cần có vốn và kỹ thuật chăn nuôi. Hướng tới anh tiếp tục nhân rộng mô hình này và giúp đỡ nhiều nông dân phát triển mô hình thay thế mô hình nuôi truyền thống có nhiều rủi ro để cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Hiện nay, anh Tuấn còn là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Tân Phú Đông, rất tích cực với các hoạt động từ thiện, xã hội tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Đoàn – Bí thư Đảng ủy xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nhận xét: Mô hình của anh Ngô Minh Tuấn rất hiệu quả. Nếu nhân rộng được và bền vững thì con tôm ở huyện Tân Phú Đông sẽ phát triển tốt. Anh Tuấn vừa là chủ doanh nghiệp phát triển kinh tế thủy sản và vừa làm công tác xã hội rất tốt về mặt hỗ trợ cho người nghèo, hộ gia đình khó khăn trong vấn đề xây nhà ở; hỗ trợ các đợt vận động khó khăn trong dịch bệnh Covid-19.