Cuối năm 2015, Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) đầu tư 5 tỉ đồng trang bị dây chuyền cấp đông rời với năng suất bình quân cấp đông 3 - 5 tấn tôm. Với dây chuyền giàu tính linh hoạt này Công ty vừa đảm bảo năng lực sản xuất ngày thường - 3 tấn tôm/ngày, khi vào vụ có thể tăng lên 5 tấn tôm/ngày. Ông Võ Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: “Chỉ một thời gian ngắn sau khi dây chuyền mới đi vào sản xuất, đã thấy hiệu quả kinh tế rất rõ. Với công nghệ mới, băng chuyền tự động đưa sản phẩm tôm đã sơ chế vào cấp đông rời với công suất 500 kg/giờ, không những chi phí sản xuất giảm 2/3 so với trước, mà sản phẩm sau cấp đông dễ tách, hao hụt trọng lượng sản phẩm thấp, hình thức sản phẩm cũng đẹp hơn”.
Nhiều cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh mặt hàng thủy sản ở khu vực nông thôn cũng tích cực đầu tư thiết bị, máy móc vào sản xuất. Để đáp ứng các yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe, bà Trần Thị Như Hoa, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn cho hay: “Hiện, chúng tôi đã đầu tư thêm hệ thống dây chuyền tự động hút chân không làm sạch vỏ chai. Hệ thống này không cần nhiều nhân công như dây chuyền bán tự động, do vậy tốc độ và hiệu quả xử lý cũng tốt hơn, năng lực sản xuất nâng cao, hiệu quả kinh tế tăng thấy rõ”.
Ngay cả ở quy mô kinh tế hộ nhiều gia đình cũng tích cực tiếp cận ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại. Bà Mai Thị Hương, chủ cơ sở chế biến nước mắm truyền thống và hải sản khô Hương Thanh, ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, khoe: “Cuối năm 2018, tôi đầu tư 40 triệu đồng lắp máy phơi hải sản sử dụng năng lượng mặt trời. Nhờ đó, mỗi ngày chúng tôi phơi được 40-50 kg mực một nắng, vài chục ký cá khô mà chỉ mất khoảng 15 tiếng đồng hồ; lại không tốn chi phí nhiên liệu sấy hải sản như trước nữa. Đã vậy sản phẩm bán rất “chạy” bởi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)!”.
Máy phơi hải sản sử dụng năng lượng mặt trời của cơ sở chế biến nước mắm truyền thống và hải sản khô Hương Thanh, ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn).
Tương tự như bà Hương, anh Nguyễn Đình Khánh, chủ cơ sở hải sản khô và đặc sản Mận Khoa, ở đường Vũ Bảo, TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Cơ sở chúng tôi đầu tư nhiều loại thiết bị, như: máy phơi, sấy hải sản bằng điện; máy hút chân không bảo quản sản phẩm; máy đóng gói bao bì… Đặc biệt, hệ thống máy phơi, sấy hải sản được làm bằng inox, nên rất thuận lợi trong việc vệ sinh, làm sạch sau khi sơ chế sản phẩm”.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh có hơn 400 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản. Mặc dù phần lớn các cơ sở chế biến thủy sản ở tỉnh ta có quy mô không lớn, nhưng nhờ phân kỳ đầu tư linh hoạt, hầu hết đều tìm cách đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất phù hợp với quy mô của cơ sở, đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo VSATTP theo quy định. Nhờ vậy mấy năm gần đây chất lượng sản phẩm đã có nhiều bước tiến dài, khả năng cạnh tranh trên thị trường tăng cao.
Ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Nhà nước cũng ban hành nhiều quy định mới về tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực VSATTP; chuyển từ công tác tiền kiểm sang hậu kiểm; cho phép cơ sở, DN tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm… Qua đó, tạo thuận lợi để các DN, cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của các chủ DN, cơ sở chế biến.