Hiện nay, Nhật Bản có khoảng gần 800 chợ bán đấu giá thủy sản. Ban quản lý các chợ này sẽ thu lại tiền bán cá từ người mua hàng và trả lại cho ngư dân sau đó, do đó, thông tin về sản lượng, giá bán, doanh thu của mỗi ngư dân hoặc chủ tàu sẽ được ghi chép, thống kê lại đầy đủ. Các chợ cá đấu giá đầu mối quan trọng sẽ có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan thẩm quyền địa phương về các thông tin này thông qua kết nối internet.
Thông thường, tại các chợ bán đấu giá cá, nhân viên của chợ cá sẽ thống kê lại thành phần loài cá, giá bán, sản lượng và phương pháp đánh bắt (ngư cụ) cũng như kích thước cá khai thác được. Đồng thời các nhân viên, ban quản lý chợ cá sẽ có quyền kiểm tra xem sản lượng khai thác có vi phạm các quy định quản lý hay không. Và những nhân viên này có quyền nhắc nhở các ngư dân khai thác không theo quy định của nhà nước như khai thác cá nhỏ hoặc dùng lưới có kích thước không phù hợp.
Câu hỏi đặt ra là tại sao ngư dân lại muốn đưa cá đến các chợ bán đấu giá? Ngư dân Nhật Bản lựa chọn việc đưa cá ra các chợ bán đấu giá với một số lý do như: nhận được tiền thanh toán bán cá nhanh và đảm bảo hơn, bán cá được giá tốt hơn, có thể giảm lao động bao gói và vận chuyển cá, không phải tìm kiếm khách hàng và sản lượng khai thác có thể được phân loại ngay tại chợ cá với các hạ tầng sẵn có (điện, nước sạch…). Đối với nhóm người mua cá như chủ nậu vựa, việc đến chợ đấu giá cá cũng đem lại cho họ những tiện ích, thuận lợi nhất định, trong đó có một số ưu điểm điển hình như: có thể mua nhiều loại sản phẩm ở cùng một địa điểm, có thể mua nhiều kích cỡ và sản lượng cá ở một nơi, mua sản phẩm khai thác với giá vừa phải, có uy tín và gây dựng niềm tin trên thị trường, dễ dàng chia sẻ và thu thập thông tin liên quan đến công việc kinh doanh tại chợ cá. Bên cạnh đó, chợ cá đấu giá thường có một số lợi thế như: điều kiện vệ sinh an toàn được đảm bảo, điều kiện hạ tầng vật chất tốt hơn, ngư dân có thể vào chợ và lên cá dễ dàng, thuận tiện.
Trong trường hợp ngư dân không lên cá tại các chợ cá đấu giá, ngư dân và các nhóm ngư dân, chi hội sẽ có trách nhiệm để báo cáo cho Hiệp hội các thông tin về sản lượng đánh bắt của họ. Ngư dân có trách nhiệm cung cấp số liệu cho hiệp hội với lý do là trách nhiệm bắt buộc của mỗi thành viên, nhận hỗ trợ từ hiệp hội và trợ cấp từ chính quyền địa phương.
Có thể nói, hiệp hội nghề cá ở Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi, thu thập và cung cấp thông tin thống kê sản lượng đánh bắt tại các cảng cá, bến cá (chợ cá đấu giá). Một số nguyên tắc về thu thập số liệu sản lượng khai thác thủy sản ở các chợ đấu giá cá của Nhật Bản như sau:
- Vào buổi sáng sớm (5-6 giờ sáng), ngư dân đưa cá đến chợ đấu giá bằng tàu thuyền nhỏ hoặc xe tải, sản lượng khai thác được lựa chọn, phân loại tại chợ cá hoặc tại điểm lên cá;
- Thời gian thực hiện bán đấu giá từ 6 – 7 giờ sáng;
- Sau đó, cá được đưa đến khu vực chứa của chủ nậu vựa, người mua hải sản và vận chuyển đến thành phố lớn… (9-11 giờ sáng);
- Sau 7- 10 ngày, chủ nậu vựa, người thu mua cá sẽ thanh toán tiền cho số lượng cá do họ mua (thường trong vòng 7 ngày);
- Sau đó, chợ cá sẽ trả lại tiền cho ngư dân trong vòng 10 ngày;
- Chợ cá sẽ thu lại khoảng 2 - 5% giá trị cá bán của ngư dân;
Như vậy, thông tin từ chợ đấu giá cá có thể cung cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan hiểu được các chỉ tiêu, tiêu chí như: Giá và sản lượng khai thác của từng loại sản phẩm theo ngư cụ, ngư dân, theo ngày, tháng và theo từng chợ đầu mối cá (điểm lên cá chính), ngoài ra, thông tin sản lượng và giá có thể chia theo kích thước khai thác, giới tính (đực/cái), sản lượng và giá trị tương ứng của nhiều loài cá khai thác khác nhau cũng được thống kê.
Với mục đích bổ sung, cung cấp thêm thông tin liên quan khác cho các nhà quản lý, các cuộc điều tra, nghiên cứu về kinh tế nghề cá, điều tra đánh giá nguồn lợi và sinh học nghề cá… sẽ được bổ sung, nhằm mục tiêu cải thiện thu nhập cho cộng đồng ngư dân ven biển sống phụ thuộc vào nguồn lợi hải sản bền vững. Những nghiên cứu này có thể được thực hiện tại các chợ cá. Kết quả nghiên cứu, đánh giá được sử dụng cho mục đích tham vấn, tư vấn cho nhà quản lý nghề cá về việc kiểm soát kích thước mắt lưới, thời gian (mùa vụ) khai thác, Quy định kích cỡ cá khai thác.
Bài học kinh nghiệm từ mô hình thu thập thông tin, số liệu khai thác thủy sản của Nhật Bản là sự gắn kết chặt chẽ giữa Hiệp hội nghề cá (ngư dân) với nhà nước. Các hiệp hội là tổ chức trung gian bảo vệ quyền lợi cho ngư dân, đồng thời thu thập thông tin, thống kê cung cấp cho các nhà quản lý, nhà khoa học. Thông qua việc đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống chợ bán đấu giá cá, ngư dân có điều kiện tốt hơn về dịch vụ hạ tầng (cầu cảng, chợ cá..), thuận lợi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch cũng như đảm bảo bán được giá cá tốt. Như vậy, quyền lợi và trách nhiệm của ngư dân được gắn liền với nhau, và tính trách nhiệm trong khai thác thủy sản của cộng đồng được nâng cao hơn, công tác thống kê được toàn diện, khả thi và có kết quả đáng tin cậy.