Vài năm trở lại đây, nuôi vẹm xanh đang trở thành một trong những nghề ít tốn chi phí, nhưng lại cho lợi nhuận ổn định. Thời điểm này cũng là mùa thu hoạch vẹm xanh rộn ràng nhất của bà con xứ biển Kiên Giang. Ghi nhận tại huyện An Biên, một trong những huyện thuộc vùng U Minh Thượng phát triển mạnh nghề nuôi vẹm xanh.
Mùa này bà con nông dân đang bận rộn thu hoạch vẹm xanh. Ẩn sâu dưới mặt nước biển mênh mông trắng xóa là cả gia tài bạc tỷ mà thiên nhiên ban tặng cho bà con vùng bãi bồi nơi đây.
Những nông dân nuôi vẹm xanh cho biết, năm nay tuy giá vẹm xanh giảm mạnh, nhưng vẹm sinh sôi tự nhiên rất nhiều, gần như không phải tốn kém chi phí mua con giống, chỉ cần đầu tư cọc gỗ, làm giàn ngầm cho vẹm bám vào, theo dõi quá trình phát triển của con vẹm và chờ đến vụ thu hoạch nên hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo.
Anh Nguyễn Văn Trăng ở ấp 6 Biển hào hứng cho biết: "Mô hình nuôi vẹm xanh tôi thấy lợi nhuận rất cao. Vừa rồi tôi đầu tư 30 triệu để cặm cây thì thấy con vẹm xanh nuôi sinh tự nhiên năm nay rất nhiều. Ước lượng mô hình tụi tui làm khoảng 4 tấn, giá thị trường hiện nay là 15.000/kg".
Nuôi vẹm xanh đã giúp kinh tế của nhiều hộ dân quanh bãi bồi được cải thiện. Ảnh DT
Bên bầu nuôi vẹm xanh đang thu hoạch, anh Võ Văn Sơn ở xã Nam Thái vui mừng cho biết năm 2021, anh vay 50 triệu đồng vốn tín chấp của ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi vẹm xanh, đến nay mới sau một vụ thu hoạch, anh đã bán khoảng 17 tấn, được trên 200 triệu đồng. Với mức thu nhập này, không chỉ giúp anh Sơn dễ dàng trả nợ, mà còn có tích lũy thêm khoảng 100 triệu đồng cho kinh tế gia đình, đón năm mới đầm ấm, sung túc.
"Mô hình của tôi chỉ mua cây với chi phí khoảng 30 triệu, trong đó khoảng 3.000 cây với tiền công chi phí này nọ. Tôi cũng đã thu hoạch mười mấy tấn rồi, bán cũng được cỡ 200 triệu đồng, giờ cũng còn mấy tấn nữa" - anh Sơn cho biết.
Toàn xã Nam Thái có hơn 1.000 ha đất bãi bồi ven biển, từ lâu đã trở thành kế mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình. Những nông dân nghèo, kinh tế khó khăn ra bám biển, được vay vốn tín chấp của ngân hàng chính sách mở mô hình nuôi tôm, cua sò, và giờ đây là nuôi vẹm xanh, đang dần vươn lên khấm khá. Chỉ riêng đối với mô hình nuôi vẹm xanh, bình quân mỗi bầu nuôi có diện tích khoảng 2 ha, được nông dân cắm từ 1.000 - 5.000 cây cừ tràm, mỗi cừ tràm như vậy đến vụ thu hoạch sẽ cho từ 10 - 30 kg vẹm xanh. Giá bán vẹm xanh hiện tại dao động ở mức 15.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, vẫn có lợi nhuận 50%.
Giá bán vẹm xanh hiện tại dao động ở mức 15.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lợi nhuận khoảng 50%. Ảnh Hasalife
Ông Đỗ Văn Hợi, người dân ở địa phương nuôi vẹm xanh thông tin thêm: "Tôi vay tiền ngân hàng chính sách để nuôi vẹm xanh, tôi vay 3 năm rồi, làm ăn được nên đã trả xong nợ, giờ vay thêm để nuôi nữa, số lượng vẹm xanh giờ tốt lắm".
Huyện An Biên có bờ biển dài 21km với hơn 7.000 ha mặt nước đất bãi bồi ven biển được giao khoán cho người dân sử dụng. Những năm trở lại đây, mặc dù có chịu ảnh hưởng của thời tiết và giá cả thị trường bấp bênh, nhưng nhờ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, nông dân vùng bãi bồi vẫn duy trì được kinh tế khấm khá nhờ biết khai thác hợp lý, bền vững nguồn lợi thủy sản do thiên nhiên ban tặng.