Liên quan đến thông tin xuất hiện virus DIV1 trên tôm ở Trung Quốc, đại diện Cục Thú Y (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo Mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng châu Á - Thái Bình Dương (NACA), virus mới có tên là Decapod iridescent virus 1 (DIV1), xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 2014, đã gây thiệt hại cho ngành nuôi tôm tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Hiện nay NACA cũng xác nhận virus DIV1 mới chỉ xuất hiện tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước lo lắng của người tiêu dùng liệu virus lạ trên tôm này có gây bệnh trên người không? Người ăn phải tôm nếu bị nhiễm virus ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Đại diện Cục Thú y cho biết, đến nay, chưa có thông tin về việc virus DIV1 lây nhiễm và gây bệnh cho người, do vậy người tiêu dùng có thể tiêu thụ tôm một cách bình thường, thực hiện chế biến chín tôm trước khi ăn để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hiện nay, Việt Nam không nhập khẩu tôm từ Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn có nguy cơ virus DIV1 xâm nhập vào trong nước qua hoạt động nhập khẩu tôm, giun nhiều tơ bất hợp pháp qua biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tôm sú hoang dã ở vùng biển Ấn Độ Dương cũng bị nhiễm virus DIV1 nên chúng ta cũng cần phải lưu ý tới nguy cơ này.
Cũng theo Cục Thú y, hiện nay, bệnh này chưa có thuốc điều trị, do vậy biện pháp duy nhất để phòng, chống bệnh DIV1 là áp dụng các biện pháp an ninh sinh học cho ao nuôi, kiểm soát chặt nguồn tôm giống, thức ăn tươi sống cho tôm và nguồn nước cấp cho ao nuôi. Theo NACA, virus DIV1 có thể gây chết tới 80% tôm nuôi trong ao. Virus DIV1 có thể lây nhiễm cho tôm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng (postlarvae, tôm nhỡ và tôm trưởng thành) và đã được phát hiện gây bệnh trên các loài tôm như tôm biển, nước lợ, tôm sông và tôm đồng.
Trên cơ sở đánh giá thiệt hại thực tế tại Trung Quốc, nếu để virus DIV1 xâm nhập vào trong nước và gây dịch bệnh cho tôm thì sẽ gây tác động rất lớn đến ngành công nghiệp nuôi tôm của bất cứ quốc gia nào, kể cả ngành tôm của Việt Nam.
Ngay khi có thông tin bệnh này xuất hiện tại Trung Quốc, trước khi NACA chính thức thông báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì họp với Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị có liên quan để bàn các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa bệnh này xâm nhập.
Trên cơ sở đó, Cục Thú y đã chủ động liên hệ với các tổ chức quốc tế (FAO, NACA, OIE,…) để thu thập thêm các thông tin chính thức về bệnh này; đề nghị hỗ trợ mẫu dương tính chuẩn và các kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm, biện pháp phòng chống bệnh do DIV 1; Ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh do DIV1; Tham mưu cho Bộ chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về báo cáo, chia sẻ thông tin về dịch bệnh động vật thủy sản và tăng cường quản lý thủy sản vận chuyển qua biên giới; Tổ chức xây dựng được quy trình chẩn đoán, xét nghiệm bệnh DIV1.
Đồng thời, đề xuất thực hiện nhiệm vụ khoa học đột xuất, giao Cục Thú y tổ chức nghiên cứu toàn diện về DIV1 và thực hiện giám sát chủ động đối với virus này.
Các Đội ứng phó nhanh đối với các trường hợp thủy sản chết bất thường của Cục Thú y (được thành lập từ năm 2017 đến nay) vẫn đang sẵn sàng chuẩn bị để chủ động xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.
“Quan điểm chỉ đạo của Cục Thú y là không chủ quan với bệnh và luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để ngăn chặn virus DIV1 xâm nhập vào trong nước và sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có ổ dịch xảy ra”, đại diện Cục Thú y nhấn mạnh.