7 giờ 30, khu vực dọc theo bờ kè đường Nguyễn Văn Linh (Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) bắt đầu nhộn nhịp khi các ghe khai thác cá cơm cập bến. Đến 9 giờ 30, đoạn đường này đã chật kín người giũ lưới, gom những con cá dính chặt trên giàn lưới của gần 20 tàu khai thác cá cơm để kịp cân bán cho thương lái. Ông Nguyễn Lùng (Hòn Rớ) - chủ tàu KH35304TS cho hay: “Năm nào cũng vậy, cứ khoảng đầu tháng 2 âm lịch là chúng tôi lại chuẩn bị ngư cụ để đi khai thác cá cơm. Tuy nhiên năm nay, phải đến đầu tháng 4 âm lịch, cá cơm mới xuất hiện rải rác, mỗi chuyến chỉ được vài chục ký, lỗ cả tiền dầu. Những chuyến biển gần đây, có dấu hiệu cá cơm xuất hiện dày hơn nên ngư dân cố gắng bám đàn cá để khai thác”. Từ đầu vụ cá cơm năm nay, ông Lùng đã đi hơn 10 chuyến biển nhưng chưa có chuyến nào đạt sản lượng cao, trung bình chỉ được khoảng 100kg/chuyến, chuyến cao nhất được 200kg.
Đang giũ lưới để thu cá, ông Lê Văn Dũng (Hòn Rớ) - chủ tàu KH09432TS cho hay: “Vùng biển đánh bắt cá cơm chỉ cách bờ từ 5 đến 7 hải lý nên không mất nhiều thời gian và chi phí. Các tàu bắt đầu xuất bến từ 2 giờ và đến 8 giờ cùng ngày là có thể trở về bờ. Chi phí cho mỗi chuyến biển chỉ khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu đồng (tùy tàu lớn nhỏ). Nếu may mắn khai thác được nhiều thì còn có lãi, nếu không gặp may chỉ được vài trăm ký thì chỉ đủ tiền dầu. Như chuyến biển này, tàu tôi khai thác được khoảng 220kg cá cơm, sau khi trừ chi phí lãi được 3 triệu đồng, mỗi bạn thuyền được chia chừng 200.000 đồng”.
Mùa khai thác cá cơm thường kéo dài từ tháng 2 đến khoảng tháng 8 âm lịch hàng năm. Thời điểm này năm trước, mỗi chuyến biển, mỗi tàu khai thác được cả tấn cá cơm, cá biệt có tàu gặp đàn cá lớn được 2 - 3 tấn, công bạn thuyền được chia 1 triệu đồng/người/chuyến. Năm nay, chưa có tàu nào đạt sản lượng hơn 700kg/chuyến. Nguyên nhân cá cơm xuất hiện muộn có thể do diễn biến thời tiết thời gian qua khá thất thường, ảnh hưởng đến phân bố cũng như di chuyển của các loài cá. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần trở lại đây, cá cơm di chuyển dày hơn, chuyến biển sau sản lượng khai thác được cao hơn chuyến biển trước.
Được biết, hiện nay, có khoảng 40 tàu của ngư dân Hòn Rớ và tỉnh Ninh Thuận khai thác cá cơm, cập vào bờ kè đường Nguyễn Văn Linh để bán cá. Bà Huyền - người chuyên thu mua cá cơm tại khu vực này cho biết: “Những năm trước, mỗi ngày, tôi có thể thu mua được gần 10 tấn cá cơm từ các tàu của ngư dân Hòn Rớ, Ninh Thuận, Bình Thuận về bán, nhưng năm nay sản lượng mua được rất ít, mỗi ngày chỉ khoảng 1 tấn. Giá cá cơm đang duy trì ở mức 18.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm này năm trước nhưng không có cá để mua. Cá cơm tươi chủ yếu được thu mua, rồi bán lại cho bạn hàng tiêu thụ trong tỉnh, đi một số tỉnh phía nam và Tây Nguyên.
Rất đông người giũ cá cơm
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo ngư trường khai thác hải sản (Viện Nghiên cứu Hải sản), nhiệt độ bề mặt Biển Đông trong thời gian tới sẽ tăng nhẹ và cao hơn trung bình nhiều năm, điều này tác động đến việc di chuyển của các loài thủy sản nói chung và các loài ven bờ, nhất là các loài cá nổi nhỏ (trong đó có cá cơm) sẽ di chuyển đến vùng nước sâu hơn. Việc di chuyển có thể sẽ tập trung thành đàn lớn, đây là dấu hiệu thuận lợi, ngư dân cần nắm bắt tình hình, chủ động khai thác để đạt sản lượng cao nhất.
Tuy cá cơm năm nay vào vụ muộn, sản lượng đầu mùa còn thấp nhưng ngư dân hy vọng khi bước vào chính vụ khai thác, sản lượng sẽ đạt cao hơn; thu nhập của chủ tàu và bạn tàu cũng sẽ khá hơn những chuyến biển vừa qua.