Tại hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với xâm nhập mặn” được tổ chức vào hôm qua (18-3) ở Cà Mau, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã đặt câu hỏi cho “vua tôm” Minh Phú: "Có phải doanh nghiệp đứng ra tổ chức chuỗi giá trị và dưới đó là các hộ nông dân liên kết thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, thì mối liên kết sẽ thành công, đúng không?"
Đáp lại câu hỏi này, “vua tôm” Lê Văn Quang của tập đoàn thủy sản Minh Phú nói: “Thật ra Minh Phú đã làm chuỗi trong mấy năm nay, nhưng chưa thành công, chưa gắn chặt người nuôi tôm vào với mình, vào chuỗi này”.
Theo ông Quang, hình thức tổ chức liên kết chuỗi như cách bấy lâu nay ngành tôm (và cả lúa gạo hiện nay) đang làm, trong đó doanh nghiệp cung ứng đầu vào và mua sản phẩm đầu ra, là chưa chặt chẽ, chưa thu hút được người nông dân. Lý do, theo ông Quang, là vì “người ta (nông dân nuôi tôm) không thấy cái lợi ích mà liên kết chuỗi mang lại cho họ" và vì mô hình này vẫn đặt nền tảng trên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Quang lại đề xuất một mô hình khác.
Theo ông Quang, đơn vị ông đã tìm hiểu các mô hình thành công trên thế giới và thấy một mô hình khá phù hợp, đó là doanh nghiệp xã hội. “Đây là mô hình rất hay, cho nên tôi muốn tổ chức cái này”, ông Quang nói.
Ông cho biết, thông qua doanh nghiệp xã hội, đơn vị ông sẽ cùng với nông dân thực hiện các chuỗi giá trị tôm-rừng có trách nhiệm; tôm-lúa có trách nhiệm; tôm-cá rô phi có trách nhiệm (tùy điều kiện ở mỗi địa phương)… “Có trách nhiệm ở đây là có trách nhiệm với người nông dân, có trách nhiệm an sinh xã hội, có trách nhiệm bảo vệ môi trường…”, ông Quang giải thích.
Theo ông Quang, vì là mô hình có trách nhiệm, cho nên mục đích của mô hình thông qua doanh nghiệp xã hội là xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nông dân thông qua việc huy động các nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, quỹ bảo vệ động vật hoang dã, các tổ chức chống biến đổi khí hậu, các ngân hàng như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…
Thực hiện mô hình tôm-rừng có trách nhiệm xã hội hay tôm-lúa có trách nhiệm xã hội cần phải thông qua doanh nghiệp xã hội. Theo giải thích của ông Quang, vì các tổ chức quốc tế và ngân hàng như đã nêu trên chỉ tài trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí là 0%, cho doanh nghiệp xã hội. “Các tổ chức, ngân hàng trên thế giới họ sẵn sàng đưa tiền cho chúng ta với lãi suất bằng 0%, nhưng với điều kiện họ phải thu hồi được vốn, như vậy, họ không thể tài trợ cho từng người nông dân, mà phải tài trợ cho một tổ chức nào đó vì mục đích xóa đói giảm nghèo. Điều này có nghĩa, khi tham gia vào mô hình doanh nghiệp xã hội, nông dân nuôi tôm sẽ có được nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế”, ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, khi sản phẩm tôm sản xuất trong các mô hình có trách nhiệm xã hội này sẽ tạo ra được sự khác biệt so với các loại phẩm phẩm khác, vì nhiều nước nhập khẩu trên thế giới ưu tiên sử dụng các loại sản phẩm như vậy, cho nên, đầu ra con tôm trong mô hình này sẽ rộng hơn, từ đó nông dân nuôi tôm sẽ cảm thấy được lợi nhiều hơn và tích cực tham gia vào mô hình.