Cụ thể, theo Nghị định, hành vi xả nước thải có chứa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng nước thải không vượt quá 5 m3/ngày đêm sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép sẽ bị phạt từ 30-250 triệu đồng. Trong đó, mức phạt cao nhất (từ 220-250 triệu đồng) áp dụng đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên; hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 300.000 m3/ngày đêm.
Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
Ngoài ra, các đối tượng vi phạm còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước trong trường hợp hành vi vi phạm gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng nguồn nước.
Cũng theo Nghị định, hành vi xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác; hành vi xả khí độc hại trực tiếp vào nguồn nước cũng bị phạt mức cao nhất là 220-250 triệu đồng đối với cá nhân, 440-500 triệu đồng đối với tổ chức.
Không khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước phạt đến 500 triệu
Theo Nghị định, sẽ phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với cá nhân, 60-100 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi không xây dựng phương án hoặc không trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi vi phạm gây ra.
Trường hợp không thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi vi phạm gây ra sẽ bị phạt từ 120-150 triệu đồng. Mức phạt 220-250 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi này trong trường hợp hành vi vi phạm gây ra ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.