Sau sự cố Formosa, một số vị lãnh đạo ăn cá, tắm biển với thông điệp môi trường biển đã bớt ô nhiễm, có thể ăn cá, tắm biển.
Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang chỉ đạo nuôi cá tại nơi xả thải của Nhà máy giấy Lee & Man nhằm kiểm tra nguồn nước thải, lãnh đạo, cán bộ kiểm tra sẽ ăn thử để chứng minh nguồn nước thải đảm bảo an toàn, không ô nhiễm môi trường. Các vị có tấm lòng nhiệt thành, năng nổ, quyết tâm thực hiện được dự án bằng cách lấy chính mình ra để làm thí nghiệm.
Nhưng chỉ đạo của Hậu Giang khó thuyết phục được ai, trước hết là các vị đi làm thay việc của người khác. Chứng minh nước xả thải độc hay không là việc của Nhà máy giấy Lee & Man, còn các cơ quan quản lý kiểm tra, xác minh trên cơ sở, thông số khoa học, khách quan và trung thực.
Điều không thuyết phục thứ hai là nuôi cá ở nơi xả nước thải, sau đó ăn vào xem mình có chết hay không, có bệnh hay không để chứng minh về sự “trong sạch” của môi trường là cực kỳ phi khoa học. Cá bị nhiễm độc đâu phải một hai ngày, cũng không phải cứ nhiễm độc là ăn vào chết ngay hay có biểu hiện ngộ độc, mà tích lũy theo thời gian. Bệnh dần dần, chết từ từ.
Thêm một điều nữa, đó là niềm tin của người dân. Phải là người có uy tín thế nào, sức ảnh hưởng trước dân chúng đến đâu thì các động thái đưa thông điệp của người đó mới có sự tác động tích cực. Còn chưa đủ uy tín cá nhân, hình ảnh mờ nhạt, tuyên bố vài câu sơ sài thì khó thuyết phục được ai, có khi còn bị nghi ngờ thêm về động cơ không tích cực.
Nếu các vị ở Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang sốt ruột muốn chứng minh chất lượng nước thải của Nhà máy giấy Lee & Man bằng phương pháp nuôi cá thì các vị cũng không cần phải mất thì giờ sắm bè nuôi cá. Hãy chờ bà con nông dân trong vùng thông báo kết quả, bởi vì nếu nhà máy xả thải nhiễm độc, thì không chỉ chết con cá ngay nơi cống xả mà chết cả một vùng.
Cho nên, thực lòng xin can, không nên làm “chuột bạch” ăn cá nuôi ở nơi xả thải - bởi lành ít, dữ nhiều!