Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang khuyến cáo, ngư dân các địa phương ven biển, đảo gồm: Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và Tp. Hà Tiên cảnh giác, chủ động giám sát, ứng phó với “sinh vật lạ” xuất hiện gây hại cá nuôi lồng bè trên biển.
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết, ghi nhận của chi cục trong các năm 2015, 2017 và 2018, “sinh vật lạ” đã xuất hiện nhiều lần tại một số khu vực nuôi cá lồng bè trên biển ở huyện Kiên Hải, Kiên Lương… từ tháng 3 - 6 Dương lịch hàng năm, gây chết cá hàng loạt, tổn thất kinh tế lớn cho ngư dân. Đây là khoảng thời gian loài “sinh vật lạ” xuất hiện vào thời điểm dòng chảy yếu, từ nửa đêm đến gần sáng và lặn mất khi có ánh sáng mặt trời.
Đến nay, cơ quan chuyên môn vẫn chưa định danh, phân loại cũng như xác định đặc điểm sinh học, đề ra biện pháp khoa học để phòng, trừ hiệu quả đối tượng này.
“Sinh vật lạ” có hình dạng như giun đất nhiều tơ, kích thước khoảng 3 - 5 cm, nổi lên từ đáy biển, xuất hiện với số lượng rất lớn, dày đặc gần mặt nước trên diện tích từ vài trăm đến hàng ngàn m2, tiết ra nhiều chất nhầy nổi trên mặt nước, bám vào lưới lồng bè nuôi cá làm giảm lượng nước lưu thông và bám vào mang cá làm cản trở hô hấp gây thiếu ôxy. Vì vậy, cá có nhu cầu ôxy cao, sống gần tầng nước mặt sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng, nhất là cá bớp trọng lượng 5 kg/con trở lên dễ bị chết.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, thực tế ghi nhận đã có sự hiện diện rải rác của loài “sinh vật lạ” ở vùng biển quanh đảo Hòn Tre (Kiên Hải) hiện nay. Nhận định trong thời gian tới, có khả năng đối tượng này sẽ xuất hiện gây hại tại một số vùng nuôi cá lồng bè trên biển.
Để chủ động bảo vệ sản xuất, ứng phó kịp thời với “sinh vật lạ”, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang đề nghị các đơn vị chức năng huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và Tp. Hà Tiên thực hiện chặt chẽ quy hoạch đã được phê duyệt về khu vực nuôi cá lồng, số lượng lồng, bảo vệ môi trường khu vực nuôi…; thông tin, hướng dẫn rộng rãi đến người nuôi cá để chủ động theo dõi, giám sát, ứng phó trong trường hợp có sự xuất hiện của đối tượng này tại vùng nuôi cá lồng bè. Khi có “sinh vật lạ” xuất hiện, cần phân công cán bộ đến ngay hiện trường hướng dẫn người nuôi cá xử lý phù hợp; chia sẻ thông tin nhanh đến các cơ quan chức năng để phối hợp phòng chống hiệu quả.
Địa phương cũng khuyến cáo ngư dân nuôi cá lồng bè trên biển theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình môi trường nước vùng nuôi, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và ứng phó kịp thời. Hàng tuần vệ sinh lưới lồng, bổ sung thêm vitamin C, khoáng vi lượng vào thức ăn cho cá nhằm nâng cao sức đề kháng, tăng trưởng.
Trong trường hợp có “sinh vật lạ” xuất hiện dày đặc, tiến hành sục khí trong lồng nuôi để cung cấp thêm ôxy cho cá; quạt nước xua đuổi “sinh vật lạ” ra khỏi vùng bè nuôi cá và tạo dòng chảy, tăng sự lưu thông của nước; sử dụng đèn cao áp thắp sáng quanh khu vực lồng bè…
Theo kế hoạch năm 2019, tỉnh Kiên Giang phát triển nuôi cá lồng bè trên biển 4.300 lồng, phấn đấu đạt sản lượng 3.400 tấn trở lên, với các đối tượng như: cá bớp, cá mú, cá chẽm… tập trung ở các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và Tp. Hà Tiên.