Đơn hàng dịch chuyển sang nước khác
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của Bộ Công Thương vừa được công bố cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Các số liệu cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đã giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thời gian qua đã khiến đa số doanh nghiệp trong ngành phải đóng cửa do không thể thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Với các doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc, dù vẫn hoạt động, nhưng cũng chỉ đạt công suất khoảng 50% do thiếu nguyên phụ liệu. Điều đáng lo ngại lúc này chính là nhiều đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang các nước khác.
Ngành dệt may cũng đưa ra dự báo không mấy khả quan về tình hình hoạt động và xuất khẩu thời gian tới.
Trước tình trạng có rất nhiều thành viên đã bị buộc phải ngừng hoạt động, vì các quy định về giãn cách, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) mới đây đã có văn bản kiến nghị gửi UBND TPHCM đề nghị gỡ khó khẩn cấp. Theo JCCH đến nay, số doanh nghiệp đang duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” thì công suất cũng chỉ đạt 10-50% công suất thiết kế nhà máy. Đáng chú ý, các nhà sản xuất ô tô tại Nhật Bản đã phải ngừng một phần dây chuyền sản xuất do không đảm bảo được nguồn cung phụ tùng từ Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 đã khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động khiến chỉ số sản xuất của Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 49,2%; Hà Nội giảm 6,4%...
“Nếu tình trạng này không được cải thiện với những giải pháp hiệu quả sẽ dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ lụy kéo theo là một số doanh nghiệp sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam”, JCCH cho hay.
Nguồn cung thủy sản sẽ thiếu hụt
Theo Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ và các mặt hàng thủy sản chủ lực khác đã đồng loạt giảm mạnh trong tháng 8 do ảnh hưởng của dịch. Trong tháng 8, xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2020, và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác cũng giảm 35-40% so với cùng kỳ năm 2020.
VASEP cũng đưa ra những dự báo rất xấu với tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới. Dự báo, xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, nhà máy không sản xuất được nên không mua tôm. Việc vận chuyển tôm nguyên liệu từ vùng nuôi đến nhà máy cũng rất khó khăn. Do vậy, bà con không thả giống, dự kiến các tháng cuối năm hết giãn cách, sản xuất trở lại bình thường thì các nhà máy chế biến sẽ thiếu tôm nguyên liệu rất trầm trọng.
Hiện tại, số lượng công nhân sản xuất tại hai nhà máy của Minh Phú (tại Cà Mau và Hậu Giang) chỉ đạt 25% tổng số công nhân. Do thực hiện giãn cách đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, nhiều lao động phải ở nhà, hoặc làm luân phiên. Doanh nghiệp đẩy mạnh mua tôm cỡ lớn cho nông dân.
Cũng theo ông Quang, giá tôm cỡ lớn khá hợp lý nên để tăng công suất nhà máy trong điều kiện thiếu công nhân thì doanh nghiệp phải tăng cường sản xuất tôm cỡ lớn. Muốn vậy, người dân cũng phải tăng nuôi tôm cỡ lớn, nhưng mật độ phải thưa. Các tỉnh cần có giải pháp giãn cách phù hợp để lưu thông hàng hóa được thuận tiện, từ vùng nuôi đến nhà máy được thông suốt, khi nhà máy mua được nhiều và mua giá tốt thì tất yếu bà con sẽ thả nuôi nhiều.
Theo VASEP, nhu cầu hải sản từ các thị trường đang có nhiều tín hiệu tích cực. Nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ và EU rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel, nhất là nhu cầu nhập khẩu tôm cỡ lớn. Theo các doanh nghiệp, đơn hàng được ký rất nhiều.
Với ngành cá tra, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt kích thước quy định do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Một số doanh nghiệp nuôi cá tra thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ dày đặc khiến cá chết... VASEP ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ còn từ 10 đến 20%.
Kể từ quý II/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường nhập khẩu trên thế giới bắt đầu tăng tích cực trở lại. Điều này tiếp thêm năng lượng và niềm hy vọng cho các doanh nghiệp cá tra ở ĐBSCL trong hai quý cuối năm. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã lan rộng trong thời gian ngắn. Mặc dù đã tính toán trước kịch bản sẵn sàng ứng phó trong tình huống này nhưng nhiều doanh nghiệp cá tra không tránh khỏi bị động và ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ khi doanh nghiệp chế biến cá tra khôi phục lại sản xuất, tăng công suất trở lại bình thường thì giá cá tra nguyên liệu mới có thể tăng.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, trước tình hình sản xuất kinh doanh đình đốn, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về tín dụng, miễn giảm về thuế, phí… để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
Nhiều thách thức
Đại dịch COVID-19 đang khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cũng là vấn đề được ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chia sẻ. Theo ông Trung, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp xuất khẩu lúc này chính là phải đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục. Thực tế, cước vận tải biển tăng phi mã khiến doanh nghiệp gặp khó.
“Cước xuất khẩu sang Mỹ đã tiếp tục tăng thêm 2.000-3.000 USD từ ngày 15/6. So với cùng kỳ năm 2020, giá cước đã tăng tới 5 lần”, ông Trung cho hay.
Về việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng đúng thời gian dẫn đến mất đơn hàng và các đối tác tiềm năng sẽ rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh.