Chỉ tính riêng trong tháng 4/2013, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trừ mực bạch tuộc và cua, ghẹ, dẫn đến giá trị xuất khẩu đạt 512 triệu USD, tăng gần 3%.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 4 tháng đầu năm 2013 đạt 1,77 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 619 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam khi chiếm đến 27,2% tổng giá trị xuất khẩu, đạt hơn 168 triệu USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2012. Trong top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, có hai thị trường sụt giảm mạnh về giá trị gồm: EU giảm 7,7% và Hàn Quốc giảm 19,5%.
Xuất khẩu cá tra giảm 6%, chỉ đạt 535 triệu USD. Thị trường EU vẫn bị giảm 17,1%, nhưng xuất khẩu sang một số thị trường khác như ASEAN, Brazil lại có sự tăng trưởng khá, lần lượt tăng 14,6% và 58%.
Xuất khẩu cá ngừ cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan khi đạt gần 207 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng cá ngừ đang giảm mạnh bởi phương pháp câu tay kết hợp với ánh sáng đèn, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.
Tiếp tục đà giảm mạnh từ năm ngoái, 4 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu mực, bạch tuộc vẫn bị giảm 23,5% so với cùng kỳ do nguồn nguyên liệu khan hiếm. Xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản, hai thị trường lớn chiếm tỷ trọng trên 60% sụt giảm mạnh. Cụ thể xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc chỉ đạt 35,5 triệu USD, giảm 20%; Nhật Bản đạt 33,8 triệu USD, giảm 24,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thị trường EU vẫn đang trong vòng xoáy khủng hoảng kinh tế, nhu cầu nhập khẩu giảm do vậy xuất khẩu sang khối này tiếp tục giảm mạnh đến 42,6%.
Còn đối với nhuyễn thể hai mảnh vỏ, xuất khẩu mặt hàng này cho thấy sự tăng trưởng khả quan khi đạt hơn 25,8 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ (chủ yếu là nghêu) sang hai thị trường lớn là EU và Nhật Bản khá tốt, giá trị tăng 12,7% và 14,1% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khối EU, 3 thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy lần lượt tăng 6,5%; 17,1% và 75,3% so với 4 tháng đầu năm 2012.
Dự báo, trong quý II/2013, nhu cầu nghêu, sò điệp, vẹm... tại các thị trường lớn tiếp tục tăng mạnh, trong đó, xuất khẩu sang EU sẽ ổn định hơn nên giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sẽ tăng khoảng 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước.
Gần đây, đã có một số tín hiệu tốt cho ngành thủy sản Việt Nam như mức thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ có nhiều khả năng ở mức thấp; các nhà nhập khẩu, cơ quan thanh tra của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... đều đánh giá cao việc kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của thủy sản Việt Nam...
Mới đây Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ quy định kiểm tra Trifluralin, một hoạt chất diệt cỏ sử dụng trong cải tạo môi trường nuôi thủy sản đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này. Điều này phần nào khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc kiểm soát chất lượng thủy sản ngay từ khâu nuôi của nước ta trong thời gian qua và giúp con tôm Việt Nam lấy lại được uy tín, hình ảnh trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, những khó khăn về nguyên liệu, rào cản Ethoxyquin tại Nhật Bản, Hàn Quốc; thuế chống bán phá giá cá tra và thuế chống trợ cấp tôm trên thị trường Mỹ; dịch bệnh EMS trên tôm nuôi... sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong các tháng tới. Do vậy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý II khó có thể phục hồi mạnh, thậm chí vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.