Tuy nhiên với sự nỗ lực của cộng đồng DN cùng với sự phục hồi nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng tôm và cá tra, kim ngạch XK thủy sản của cả nước 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng 4% so với cùng kỳ, đạt 3,15 tỷ USD.
Tôm
XK tôm 6 tháng đầu năm đạt 1,35 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 59% với 794 triệu USD, tăng 5,2%, tôm sú chiếm 33% với 445 triệu USD, tăng 5,3%. Còn lại là tôm biển chiếm 8%, với 113 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Năm 2016, nguồn nguyên liệu khó khăn, các DN tập trung nhiều hơn cho việc gia tăng giá trị sản phẩm. Do vậy mặt hàng tôm chân trắng chế biến và tôm sú chế biến (mã HS 16) đều tăng khả quan hơn so với tôm nguyên liệu dạng tươi/sống/đông lạnh (mã HS 03). Trong đó, tôm chân trắng chế biến tăng 9%, tôm sú chế biến tăng 24%.
Trong khi nguồn tôm nguyên liệu trong nước khó khăn, Trung Quốc tăng mạnh NK tôm sú và tôm chân trắng tươi/sống/đông lạnh từ Việt Nam. Hai sản phẩm này chiếm tới 97% XK tôm sang Trung Quốc. Riêng tôm sú chiếm 64% và tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm chân trắng tươi/đông lạnh tăng mạnh 190% và chiếm 33%. Trung Quốc hiện đã chiếm tới 16% giá trị XK tôm của Việt Nam, gần tương đương với Nhật Bản.
Trong khi đó, XK tôm sang Nhật Bản giảm 9%, và XK sang các thị trường khác như Canada, ASEAN và Australia giảm lần lượt 22%, 1% và 9%.
Cá tra
6 tháng đầu năm Việt Nam XK cá tra sang 127 thị trường với giá trị đạt 790 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang Mỹ, Trung Quốc và Brazil tăng mạnh: 17,7%, 66,7% và 41%. 3 thị trường này chiếm gần 50% tổng giá trị XK cá tra của Việt Nam.
Với 187 triệu USD NK cá tra từ Việt Nam, thị trường Mỹ dẫn đầu chiếm 24% giá trị XK cá tra. XK sang thị trường này tăng mạnh kéo theo tổng giá trị XK chung tăng lên, mặc dù XK sang EU, ASEAN và các thị trường khác giảm từ 2-23%.
Cá ngừ và các sản phẩm hải sản khác
XK cá ngừ 6 tháng đầu năm 2016 đạt 225 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, XK sản phẩm cá ngừ đông lạnh mã HS03 chiếm 60% với giá trị 134 triệu USD, tăng gần 11%. Cá ngừ chế biến chiếm 40% với 90 triệu USD, giảm gần 13%.
Đối với phân khúc sản phẩm đông lạnh mã HS 03, sản phẩm chủ lực XK của các DN cá ngừ là cá ngừ vây vàng dạng loin, cắt thanh, phile hoặc cắt khúc…chiếm 52% tổng giá trị XK cá ngừ, với 116 triệu, tăng 18%. Cá ngừ đóng hộp đứng thứ 2, chiếm 27% với 61 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm nay, Việt Nam XK mực, bạch tuộc sang 58 thị trường với giá trị đạt 179 triệu USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm mực chiếm 55%, bạch tuộc chiếm 45%. XK sang các thị trường chính đều giảm: Hàn Quốc giảm 10,2%, Nhật Bản giảm 7%, EU giảm nhẹ 1,9%...3 thị trường này chiếm tới 77% giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam. Trong khi đó, XK sang Australia và Israel đạt tăng trưởng dương 28,7% và 42%. Tuy nhiên 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng 1- 1,2% tổng XK mực, bạch tuộc Việt Nam.
Nhờ tình hình khai thác thuận lợi, sản lượng tăng nên XK các loại cá biển khác tăng 7,6% đạt trên 511 triệu USD. XK cua ghẹ cũng tăng 3% đạt 49 triệu USD. XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ 6 tháng đầu năm đạt gần 41 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung tôm và cá tra nguyên liệu được dự báo sẽ thiếu hụt trong nửa cuối năm do ảnh hưởng thời tiết bất lợi từ đầu năm. Khai thác thủy sản (cá ngừ và các loại cá biển) cũng khó khăn vì chi phí cao, công nghệ bảo quản còn chưa cải thiện được nhiều, giá bán không bù đắp giá vốn cho ngư dân. Tuy nhiên, với sự hồi phục nhu cầu thị trường đối với mặt hàng tôm và cá tra, dự báo tổng XK thủy sản năm 2016 sẽ tăng khoảng 8% đạt 7,1 tỷ USD. Trong đó, XK tôm đạt 3 tỷ USD, cá tra 1,6 tỷ USD, cá ngừ đạt khoảng 500 triệu USDvà mực, bạch tuộc đạt 450 triệu USD…