Theo các hộ nuôi, từ ngày 3-4, cá có hiện tượng bỏ ăn, nổi đầu, dạt lưới lồng, mang có nhiều nhớt và bắt đầu chết. Hiện tượng cá chết nhiều nhất xảy ra vào ngày 7 và 8-4, trong đó chủ yếu là cá bớp, có trọng lượng từ 3-5kg/con.
Nhận được thông tin, ngày 8-4, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản và UBND xã Long Sơn đã cử cán bộ xuống các bè nuôi để khảo sát thực tế, lấy mẫu cá, mẫu nước xét nghiệm tìm nguyên nhân, đồng thời thống kê số lượng cá chết và mức độ thiệt hại của các hộ nuôi.
Cá chết chủ yếu xảy ra tại các lồng nuôi cá bớp.
Tại thời điểm thống kê, có 4 hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại do cá chết. Số lượng cá chết ước khoảng 40 tấn (khoảng 10.000 con). Hộ có số cá chết ít nhất là 30% đàn, nhiều nhất là hơn 80% đàn.
Kết quả phân tích cho thấy có sự hiện diện của ký sinh trùng (trùng quả dưa) mật độ cao trên mẫu cá bệnh. Các cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân khiến cá chết có thể do thiếu ôxy cục bộ, cùng với sự hiện diện với mật độ cao của ký sinh trùng quả dưa. Ký sinh trùng này đeo bám trên mang và thân cá, làm hạn chế quá trình hô hấp, dẫn đến cá bỏ ăn và chết dần.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác là do thời điểm giao mùa, nhiệt độ ban ngày cao, con nước kém, chảy yếu, có hiện tượng thiếu ô xy cục bộ trong nước.
Trước tình trạng này, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo người nuôi nên thu hoạch cá đạt kích cỡ thương phẩm; giãn thưa lồng, giảm mật độ nuôi; vệ sinh dưới lồng sạch sẽ; bổ sung vitamin C và khoáng chất nhằm tăng cường đề kháng cho cá; tách cá yếu ra khỏi đàn nuôi…
Các cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ người nuôi khắc phục sự cố.