Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp diễn ra ngày hôm qua 27-6 tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho hay, qua 10 năm thực hiện chương trình, kinh phí đầu tư hết hơn 550 tỉ đồng cho nhiều nhóm đề tài, trong đó có nhóm đề tài cây trồng biến đổi gen.
“Về cơ bản các viện, các tổ chức nghiên cứu và các nhà khoa học đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa đưa ra được những sản phẩm thực tiễn” – bà Thủy nói và cho hay, hiện nay Việt Nam vẫn đang trong quá trình tạo ra những sản phẩm vật liệu phục vụ cho công nghệ di truyền gen, những dòng giống mang gen kháng bệnh, kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ cùng với một số tính trạng khác mới đang triển khai ở giai đoạn đầu.
Giải thích việc cho tới nay vẫn chưa có sản phẩm biến đổi gen nào được đưa vào thực tiễn, ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho rằng, theo các chuyên gia trên thế giới, nghiên cứu một cây trồng biến đổi gen gồm 5 bước với kinh phí từ 50 đến 100 triệu đô la Mỹ trong thời gian trung bình là 10 năm. “Thực tế chúng ta mới chỉ làm được hai bước, trong đó, bước thứ 2 mới chỉ làm một vài phần nhỏ. Những bước còn lại chưa làm đến. Chúng ta chưa có cây trồng biến đổi gen ngoài ruộng” – ông Hàm nói.
Nhận xét về kết quả Chương trình công nghệ sinh học 10 năm qua, ông Nông Văn Hải, Viện nghiên cứu gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay, Việt Nam triển khai chương trình trong bối cảnh tiềm lực thấp. Các yếu tố như cán bộ, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, khả năng công nghệ, vốn đầu tư còn rất yếu kém về nhiều mặt.
“Chúng ta thực hiện chương trình với xuất phát điểm thấp. Tiềm lực chúng ta không bằng các nước. Như anh Hàm nói phải 50 đến 100 triệu đô la Mỹ mới nghiên cứu ra một giống mà toàn bộ chương trình mới có trên 550 tỉ đồng thì chỉ tập trung cho một số giống cây cũng chưa chắc đủ. Như vậy thì liệu chúng ta chỉ nên nhập công nghệ và mua giống là đủ?” – ông Hải đặt câu hỏi và tự trả lời: “Chúng ta không thể cái gì cũng nhập, cái gì cũng mua, với sự phát triển công nghệ, chúng ta sẽ giảm chi phí nghiên cứu cho một giống chuyển gen. Nếu cứ nhìn vào số tiền nghiên cứu của họ mà “choáng ngợp” thì chúng ta sẽ không làm được gì cả”.
Thực tế, cây trồng biến đổi gen là xu thế toàn cầu, tuy chỉ có 30 nước trồng nhưng sử dụng toàn cầu. Hai nước khổng lồ ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ đều cũng đã trồng các giống cây biến đổi gen.
Thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình về cây trồng biến đổi gen, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho hay, không phải tự dưng trong những năm vừa qua, Bộ NNPTNT tăng cường thúc đẩy phát triển cây biến đổi gen ở Việt Nam. Hiện nay, 2/3 bông, trên một nửa đậu tương và ngô trên thế giới là cây trồng biến đổi gen và được khảo sát là an toàn. Do đó, trước tiên phải mở đường cho cây biến đổi gen bằng cách làm hành lang pháp lý, định hướng dư luận xã hội. Nếu các nhà khoa học nghiên cứu ra mà không cho dùng hoặc xã hội không chấp nhận thì nghiên cứu làm gì. “Phải có yêu cầu của sản xuất, thị trường thì khoa học mới có sức sống” – Bộ trưởng Phát nói.
Đến nay, Bộ NNPTNT đã tiến hành công nhận 3 giống ngô biến đổi gen để đưa vào sản xuất, đồng thời xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn ghi nhãn đối với sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen theo quy định của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Phát, 10 năm qua, các chương trình nghiên cứu công nghệ sinh học vẫn nặng về tài trợ. Trong thời gian tới, để chương trình nghiên cứu phát huy được hiệu quả và đi vào cuộc sống, không còn cách nào khác là thu hút nguồn vốn tư nhân để biến những tri thức đó thành sản phẩm nông nghiệp, có năng suất và chất lượng cao.