Sự phát triển quá mức của tảo thường tạo ra độc tố, ảnh hưởng đến sức khỏe, hoặc có thể gây chết các loài thủy sinh vật, động vật có vú ở biển, chim và cả con người. Các độc tố này cũng có thể lan ra và ảnh hưởng đến không khí xung quanh gây ra hiện tượng khó thở. Khi lượng lớn tảo chết đi và phân hủy, quá trình phân rã làm cho hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giảm mạnh, buộc các sinh vật biển phải di cư đến thủy vực khác hoặc chết do thiếu ôxy.
Các loài động vật hai mảnh vỏ (nhuyễn thể) thường có tập tính ăn lọc, chúng có khả năng hấp thu và tích lũy độc tố từ thủy vực và tảo là thức ăn của chúng. Do đó, khi con người ăn phải nhuyễn thể ở vùng biển có xuất hiện thủy triều đỏ thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Ngoài ra, thủy triều đỏ còn có ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái biển. Thủy triều đỏ dễ nhận biết khi nước biển chuyển màu đỏ hoặc nâu và có mùi tanh hôi.
Tảo nở hoa có thể bắt gặp ở môi trường nước ngọt và nước mặn. Màu sắc của nước thay đổi tùy thuộc vào loài tảo. Các nhà khoa học thường dùng thuật ngữ “tảo nở hoa gây hại” (Hamful Algal Blooms-HABs) tuy nhiên, không phải mọi hiện tượng nở hoa của tảo đều gây hại. Hầu hết các loài tảo biển là không gây hại. Trên thực tế, các loài vi tảo là thức ăn của sinh vật biển, là mắt xích quan trọng của chuỗi thức ăn và chuyển tiếp năng lượng trong tự nhiên. Khi tảo phát triển chúng sẽ là nguồn thức ăn phong phú cho các loại ấu trùng thủy sinh. Hiện tượng tảo nở hoa bao gồm cả các loài tảo có độc tố và các loại tảo không có độc tố.
Một trong những nguyên nhân gây nên sự nở hoa của tảo là hàm lượng dinh dưỡng trong nước tăng cao (hàm lượng nitơ và photpho) hay còn gọi là sự phú dưỡng của nước. Ở một số vùng cửa sông và ven biển, do hoạt động nuôi trồng thủy sản thâm canh với mật độ lồng bè, ao nuôi dày, lượng thức ăn thừa thải ra hàng ngày là vô cùng lớn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và làm cho nước phú dưỡng, có thể dẫn đến sự nở hoa của tảo.