Tôm càng xanh được nuôi với các hình thức như quảng canh, bán thâm canh... vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tôm càng xanh được nuôi trong các mô hình như nuôi tôm trong ruộng lúa, nuôi bán thâm canh trong ao đất và nuôi trong mương vườn. Hiện nay, ngoài hình thức nuôi tôm trong vùng nước ngọt, một số nơi đã phát triển nuôi ở vùng nước lợ. Đã có một số công trình nghiên cứu về tôm càng xanh nuôi ở môi trường nước lợ về đặc điểm sinh lý, sinh hóa và sinh trưởng của tôm. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu về sinh sản của tôm (chu kỳ, sức sinh sản) cũng như các chỉ tiêu về lột xác ở độ mặn khác nhau vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 120 ngày nuôi, số lần lột xác của tôm ở các độ mặn khác nhau dao động từ 8 - 10 lần và chu kỳ của các lần lột xác biến động từ 7,7 - 23,8 ngày/lần. Độ mặn có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tôm mang trứng, chu kỳ sinh sản và sức sinh sản của tôm. Ở độ mặn cao, tỷ lệ tôm mang trứng giảm, chu kỳ tái phát dục dài hơn và sức sinh sản cũng giảm dần. Đặc biệt, ở độ mặn 15‰ tôm không tham gia sinh sản trong thời gian 120 ngày nuôi. Ở độ mặn 5‰ và 10‰, tôm có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và khác biệt có ý nghĩa so với độ mặn 0‰ và 15‰. Tỷ lệ sống của tôm ở độ mặn 5‰, 10‰ và 15‰ tốt hơn so với nghiệm thức 0‰. Các kết quả trên cho thấy việc phát triển nuôi tôm càng xanh ở vùng nước lợ 5 - 15‰ là rất triển vọng, nhất là vùng ĐBSCL - nơi có tiềm năng diện tích nước lợ lớn.