Không ít nông dân than phiền rằng: "Chi phí con giống, thức ăn, thuốc, hoá chất, nhân công, điện nước, xây dựng cơ bản… cho tôm của nông dân Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, với chi phí vậy, hỏi sao nông dân nuôi tôm có lợi nhuận nhiều”.
Đây là vấn đề chung của hầu hết người nuôi tôm khi mà ngày nay mọi chi phí đều tăng, từ giá thức ăn thủy sản, giá xăng, dầu, trong khi giá tôm nguyên liệu đang ở mức thấp, khiến nông dân nuôi tôm rơi vào thua lỗ. Hiện giá thức ăn nuôi tôm đã tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg so với năm 2021, giá dầu DO tăng hơn 5.000 đ/lít so năm 2021 cùng kỳ. Trong khi đó, giá tôm sau thời gian nhích lên, giờ giảm dần. Giá tôm cỡ 100 con/kg, hiện nay còn 90.000 đồng/kg, với giá này, người nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ nặng.
Nghịch lý giá tôm thường tăng cao vào thời điểm mất mùa, dịch bệnh bùng phát, thiên tai ảnh hưởng, sản lượng nuôi giảm sút trầm trọng. Đối với tôm giống, vào mùa cao điểm thả nuôi, các tỉnh trọng điểm nuôi tôm ở ĐBSCL như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…bà con nuôi tôm phải nhập một lượng lớn tôm giống từ các tỉnh Nam Trung Bộ. Điều này đồng nghĩa với việc, bà con không tránh khỏi nhập phải bầy giống kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc, giống chưa qua kiểm dịch…
Nếu không may thả giống kém chất lượng, kéo theo đó là tỷ lệ sống thấp, giống chậm lớn, phân đàn, dễ nhiễm bệnh, thả lại nhiều lần do hao hụt lớn…khiến cho chi phí sản xuất tăng cao.
Chất lượng tôm giống ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào trong các vụ nuôi. Ảnh: Tuấn IoT
Đặc biệt đối với thức ăn tôm, chi phí cho khoản đầu tư thức ăn nuôi của bà con tôm chiếm từ ½ - 2/3 giá thành sản xuất. Có một thực trạng “đau đầu” mà hẳn, người nuôi tôm nào cũng từng gặp qua hoặc được nghe nói, đó là nhiều doanh nghiệp bán tôm giống tên tuổi, buộc người nuôi tôm phải mua thức ăn, thuốc thuỷ sản của họ, nếu muốn mua tôm giống của họ. Chính việc lệ thuộc tôm giống, người nuôi tôm phải sử dụng thức ăn, thuốc thuỷ sản chất lượng không cao, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực, làm chi phí sản xuất tăng cao, giảm lợi nhuận của người nuôi tôm.
Khi nuôi tôm, khó tránh khỏi những lúc môi trường biến động, thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh bùng phát,…người nuôi lại tốn chi phí thuốc, hoá chất. Mặt khác, hiện nay, diện tích nuôi tôm manh mún, nhỏ lẻ quá nhiều, đầu tư lớn, diện tích nhỏ, chi phí cao…hiệu quả thấp.
Giá thành sản xuất tôm thương phẩm được hiểu là các khoản chi phí đầu vào, bao gồm chi phí cố định, chi phí biến đổi và chi phí lao động. Trong đó, chi phí cố định được xác định thông qua khấu hao trang thiết bị, máy móc, lưới, bạt, vật rẻ tiền mau hỏng… chiếm từ 4,1 – 4,2%.
Thiết bị trong ao nuôi được tính vào chi phí cố định. Ảnh: Tuấn IoT
Phần chi phí biến đổi bao gồm tôm giống chiếm 12, 8 – 13,0 %; Thức ăn: 61,9 – 65,0%; Phân, vôi, thuốc, hoá chất, nhiên liệu, lãi suất… chiếm 8,4 – 9,0%. Chi phí lao động chiếm 4,7 – 5,0% bao gồm lao động gia đình và lao động thuê mướn.
Khi hạch toán, cho thấy: Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu trung bình của mô hình nuôi tôm thẻ là 0,40. Nghĩa là, cứ 1 đồng doanh thu có được từ hoạt động nuôi tôm thẻ, thì nông hộ sẽ thu được 0,4 đồng lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí trung bình của hộ nuôi tôm thẻ là 0,67.
Điều này cho biết, cứ 1 đồng chi phí bỏ ra thì hộ nuôi tôm thẻ sẽ thu được 0,67 đồng lợi nhuận. Tỷ suất doanh thu trên chi phí của mô hình > 1, điều đó chứng tỏ mô hình sản xuất có hiệu quả. Tỷ suất doanh thu trên chi phí bình quân của nông hộ nuôi tôm thẻ là 1,67 lần, vậy cứ 1 đồng chi phí bỏ ra để đầu tư thì nông hộ có thể thu được 1,67 đồng doanh thu.
Tuy nhiên, hiện tại, với giá thức ăn thủy sản tăng, giá xăng, dầu, tăng cao, trong khi giá tôm đang ở mức thấp, tỷ suất doanh thu trên chi phí của mô hình luôn < 1, điều đó chứng tỏ mô hình sản xuất tôm thương phẩm không hiệu quả, không có lợi nhuận. Mặt khác, từ kích cỡ tôm thu hoạch, sẽ liên quan sản lượng, giá bán, chi phí sản xuất, doanh thu và lợi nhuận. Vấn đề cần giải quyết chính là tiết kiệm chi phí trong quá trình nuôi, nhưng phải đảm bảo tôm tăng trưởng tốt, về size lớn, tỷ lệ sống cao, đồng đều cỡ loại.