Ông Phạm Minh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, thuộc Sở NN&PTNT, cho biết, nắng hạn kéo dài nên phần lớn diện tích ao, đìa, trong khu bảo tồn nguồn giống cá đồng của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh tại Ấp 15, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, bị khô cạn nên lượng cá đồng giống bảo tồn còn không nhiều so với các năm trước. Hiện trung tâm đang phối hợp các trường đại học, các địa phương, đơn vị để sản xuất nguồn cá đồng giống để cung cấp cho người dân.
"Không chỉ có lượng cá đồng giống trong khu bảo tồn bị ảnh hưởng do khô hạn mà hầu hết kinh, mương, ao, đìa, trong vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau bị khô cạn, nhiều tuyến kinh trơ đáy, nguồn cá giống ngoài tự nhiên không còn. Nếu ngay từ bây giờ không có biện pháp ươm nuôi và bảo vệ tốt chắc chắn sản lượng cá đồng mùa khô năm 2016-2017 bị sụt giảm nghiêm trọng", ông Phạm Minh Dũng nói.
Huyện Trần Văn Thời là địa phương được xem là cái nôi của cá đồng với những địa danh nổi tiếng như: Khánh Hưng, Khánh Hải, Trần Hợi và Khánh Bình Tây… Tuy nhiên, trước tình hình khô hạn, cá đồng khan hiếm, một bộ phận khai thác thiếu bảo vệ làm cho nguồn lợi cá đồng ngày càng cạn kiệt. Khi cá đồng ngày càng ít thì người ta lại nghĩ ra nhiều cách săn bắt tận diệt như kích điện, lưới ba màng, lú huế, rồi đến kéo lưới bắt cá non, làm cho nguồn cá tự nhiên cạn kiệt dần.
Lớn lên với ruộng đồng nên cuộc sống của ông Sáu Tre (Phan Văn Tre), Ấp 12, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, quanh năm gắn với việc chài lưới ở đồng ruộng và giăng câu trên sông rạch. Ông Sáu Tre cho biết, vài năm trở lại đây, cùng với việc khai thác thiếu bảo vệ, cộng với làm lúa tăng vụ người dân phun xịt rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật làm cho sản lượng cá đồng giảm đáng kể. Trước đây, giăng 100 cây cần câu, sáng ra cá, lươn, rắn, rùa quẩy không nổi. Còn bây giờ thỉnh thoảng mới kiếm được vài con cá là cùng. Cá đồng ngày càng khan hiếm, giá cao, người dân tìm đủ mọi cách để săn bắt làm cho nguồn cá giống cạn kiệt. Ông Sáu Tre tiếc nuối cho biết thêm, sau nắng hạn, nguồn cá đồng giống ngoài tự nhiên còn rất ít. Nếu như bà con nông dân thấy lợi trước mắt giá cao, bắt bán không có ý thức bảo vệ, cá non mùa lên đồng sắp tới, thì khó tránh khỏi sản lượng cá đồng tự nhiên mùa khô năm 2016-2017 bị sụt giảm nặng nề hơn.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi hộ dân dù có nuôi hay không nuôi cá đồng cũng nên giữ lại một phần trong ao, đìa chăm sóc, bảo vệ chúng được an toàn qua hẳn mùa khô, để chúng được lên đồng tìm nơi thích hợp làm tổ đẻ và bảo vệ được đàn cá non, thì chẳng bao lâu cá đồng sẽ được phục hồi. Khi ấy nông dân vùng ngọt cũng sẽ giàu lên nhờ cá đồng.
Ðể được như thế, ông Phạm Minh Dũng cho rằng, phải kết hợp chặt chẽ từ nhà khoa học, cán bộ cho đến người dân. Chính quyền và người dân địa phương phổ biến hương ước cấm không được đánh bắt cá con, cá bố mẹ trong mùa sinh sản, không dùng xung điện đánh bắt cá, mùa nào được phép đánh bắt, lưới kích cỡ thế nào để không gây hại đến nguồn thuỷ sản tương lai. Cần áp dụng những quy định có tính răn đe như dân lén bắt cá bị phát hiện phạt gấp 10-20 lần số cá bắt được...
Ðể bảo vệ nguồn lợi cá đồng hiệu quả, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, vấn đề quan trọng là phải có giải pháp đồng bộ giữa khai khác, bảo vệ và tạo điều kiện cho mọi người dân có việc làm ổn định. Khi tạo cho người dân có nghề nghiệp, cuộc sống ổn định, không còn nghèo đói thì áp lực khai thác cá đồng kiểu tận diệt cũng sẽ giảm đi./.