Nuôi cá sấu tại hộ gia đình ở huyện Bình Đại.
Nguyên nhân do từ lợi nhuận cao của các loài giống này nên một số người nuôi bất chấp các qui định, nhất là đối với các loài quí hiếm. Bên cạnh đó, nhiều trang trại nuôi chưa tuân thủ đầy đủ các qui định về nguồn gốc động vật, điều kiện an toàn về chuồng trại, vệ sinh môi trường, thậm chí có một số trại nuôi để sổng chuồng, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng dân cư.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bến Tre, những năm gần đây, từ nhu cầu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ gia đình đã thực hiện một số mô hình gây nuôi động vật hoang dã như cá sấu, heo rừng, kỳ đà, nai, hươu… bước đầu đạt kết quả khả quan. Chúng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và môi trường Bến Tre và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Một cặp nhím con trọng lượng khoảng 2kg trước đây có thể bán 12 triệu đồng, cá sấu thịt lúc hưng thịnh giá tới 170.000đ/kg; heo rừng lai giá thịt khoảng 80.000đ/kg, giá heo rừng nuôi 120-150.000đ/kg. Vì vậy, phong trào nuôi ngày càng phát triển và mở rộng. Hiện toàn tỉnh có đến 356 hộ nuôi với 34.217 con và 28 loài động vật hoang dã, gồm nhím, heo rừng lai, cá sấu, ba ba, khỉ đuôi dài, vượn má vàng; trăn; rắn, công, trĩ, hươu sao, nai, chồn, sóc, vạc, đà điểu, kỳ đà, cua đinh, gấu. Trong đó, một số loài được nhiều hộ nuôi, số lượng lớn như nhím 124 hộ nuôi (1.793 con); heo rừng lai 88 hộ nuôi (1.699 con); cá sấu nước ngọt 36 hộ (20.000 con); ba ba 4 hộ (272 con); rắn ri voi 18 hộ (9.413 con); rắn ráo trâu 100 con, kỳ đà vân 9 hộ (355 con)… Ngoài việc gây nuôi, thực trạng săn bắt, mua bán, trao đổi, nuôi nhốt trái phép vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi làm cho một số loài trong tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng. Do vậy, từ thực trạng trên, để quản lý tốt động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm Bến Tre tổ chức quản lý và tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Tất cả các động vật hoang dã đang nuôi trong tỉnh đều có đăng ký, kiểm tra đầy đủ các thủ tục; từ khâu nhập con giống, xuất bán, dịch bệnh đến xây dựng chuồng trại, môi trường chăn nuôi đều được kiểm tra nghiêm ngặt. Đặc biệt, vệ sinh môi trường, chuồng trại là vấn đề được các hộ nuôi quan tâm, nhất là đối với loài cá sấu, bởi nguồn thức ăn phần lớn từ cá biển tươi sống, còn lại các loài khác hầu như ít ảnh hưởng đến môi trường. Chuồng trại đều được xây dựng trên diện tích rộng, xa khu dân cư, có ao lắng xả nước. Tuy nhiên, vấn đề môi trường đã được cảnh sát môi trường lưu ý và xử lý phạt hành chính đối với một số trại nuôi, nhất là các trại nuôi cá sấu có qui mô lớn nhưng chưa thấy khắc phục. Công tác tuyên truyền cũng được Chi cục Kiểm lâm quan tâm, thường xuyên tổ chức tập huấn, nhất là các qui định về thủ tục vận chuyển, mua bán động vật hoang dã, đặc biệt có sự phân định rạch ròi giữa động vật hoang dã thông thường, động vật hoang dã thuộc loài nguy cấp, quí hiếm. Đối với các loài quí hiếm, khi vận chuyển ra ngoài tỉnh, phải có giấy phép vận chuyển đặc biệt, vận chuyển trong tỉnh chỉ cần xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại. Đối với loài động vật hoang dã thông thường, vận chuyển trong tỉnh chỉ cần xác nhận của Hạt Kiểm lâm, ngoài tỉnh cần xác nhận của Chi cục Kiểm lâm. Riêng heo rừng lai là loài gia súc có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nên khi vận chuyển, mua bán, ngoài xác nhận nguồn gốc gây nuôi hợp pháp của kiểm lâm, còn phải thực hiện đúng theo qui định của ngành thú y. Cụ thể là vận chuyển trong huyện phải có xác nhận của cán bộ thú y xã, khỏi địa bàn huyện phải có xác nhận của Trạm Thú y huyện, ra ngoài tỉnh phải có xác nhận của Chi cục Thú y tỉnh. Khi mở chuồng trại phải có giấy tờ hợp pháp về nguồn gốc loài nuôi; thủ tục đăng ký nuôi, tình hình xây dựng chuồng trại, mở sổ theo dõi số lượng tăng, giảm đàn, chứng minh nguồn gốc nếu không khai báo hoặc chậm trễ đều là vi phạm. Sau 15 ngày kể từ khi nhập con giống về trại, nếu chủ trại không làm thủ tục đăng ký gây nuôi thì kiểm lâm không công nhận tính hợp pháp cũng như nguồn gốc các loài gây nuôi, hoạt động nuôi.