Khoảng 19 giờ, khi nước xuống thấp, vùng bãi bồi trải dài hàng ki-lô-mét lấn ra biển, đó cũng là lúc xuất hiện ngày một nhiều hơn những ánh đèn pin chớp sáng khắp nơi như bến chợ. Gần trong đất liền là ánh đèn của những đứa trẻ mò cua bắt ốc, người dân đặt lú bát quái, kế tiếp là ánh đèn của sân nghêu đang thu hoạch và xa hơn là người cào nghêu giống... Tất cả tạo nên một vùng bãi bồi lung linh trong tiếng xì xào lạnh buốt của gió biển. Là khu vực bãi đẻ của nhiều loại thuỷ hải sản nên vùng bãi bồi xã Ðất Mũi đã nuôi sống hàng trăm hộ gia đình trong nhiều năm qua.
Gia đình anh Thiết, chị Nhung là một trong số hàng trăm hộ có cuộc sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào bãi bồi này. Trước kia cũng thuộc hàng có của ăn của để nhưng chỉ sau một thời gian kinh doanh buôn bán, gia đình anh chị không chỉ mất hết vốn mà còn ôm trong người khoản nợ khá lớn, phải bỏ quê lên Bình Dương kiếm sống. Sau hơn 1 năm lam lũ làm công nhân nơi xứ lạ quê người không thể sống nổi, anh chị đành trở về bám trụ vùng bãi bồi, tận thu lộc từ biển để sinh sống và trang trải nợ nần.
Anh Thiết kể: “Ði một vòng, trải qua nhiều nghề, so đi tính lại mới thấy chỉ có nơi đây mới là cơ hội làm lại từ đầu. Từ đó, tôi quyết định trở về và xin các chủ nợ cho làm trả dần. Ðến thời điểm này, có thể nói quyết định ấy là hoàn toàn đúng đắn”.
Vậy là vùng bãi bồi trở thành nơi gia đình anh Thiết chọn để khởi đầu lại. Từ đó, không chỉ với nghề đặt lú, đăng cá kèo giống, cua giống, anh còn tham gia cào nghêu thịt cho HTX Nuôi nghêu Ðất Mũi trong giai đoạn thu hoạch. Sau hơn 4 năm lam lũ với bãi bồi, giờ đây không chỉ trả hết nợ mà cuộc sống gia đình cũng có nhiều bước phát triển đáng kể.
Anh Thiết bộc bạch: “Ở đây dễ sống hơn nhiều so với đi làm công, lúc hết mùa giống thì còn nghề đặt lú hay chỉ cần thu hoạch nghêu thịt thuê cho HTX, một ngày chỉ làm vài tiếng cũng kiếm được 200.000-300.000 đồng”.
Không chỉ gia đình anh Thiết mà còn nhiều hộ khác cả trong và ngoài tỉnh vươn lên nhờ nguồn lợi từ bãi bồi. Ông Lữ Văn Mến với "thâm niên" 65 năm gắn bó với khu vực ấp Rạch Thọ, xã Ðất Mũi và hiện là Tổ trưởng Tổ tự quản số 10, cho biết, nghề đăng cua giống xuất hiện cách đây khoảng chục năm, còn cá kèo giống thì sau khoảng 3-4 năm. Nghề này đã nuôi sống trên 62 hộ dân ở khu vực này cũng như nhiều nơi khác đến. “Mấy mươi hộ dân ở đây mà không có vùng bãi bồi này không biết lấy gì sống, hầu kết đều không có tư liệu sản xuất, không trình độ, không vốn liếng... hiện tại chỉ có thể dựa vào bãi bồi”, ông Mến tâm sự.
Cũng như vùng rừng U Minh trước kia, khu vực bãi bồi Ðất Mũi là nơi nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn chọn làm điểm đến. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đa phần đều sống bám vào bãi bồi.
Uống vội ly trà nóng cho ấm lòng khi trời mới tờ mờ sáng, anh Trần Văn Lực nhanh tay chất dàn lú bát quái gần 30 cái xuống vỏ máy chạy thẳng ra khu vực bãi bồi. “Nước này biển có đồ, tranh thủ xuống lú khi triều mới lên, nếu không thì không kịp, vì nước lớn chỉ có vài tiếng đồng hồ thôi là sẽ ròng”, anh Lực bộc bạch.
Nhiều người dân sinh sống tại khu vực bãi bồi ấp Rạch Thọ chia sẻ, từ đầu năm đến nay vùng bãi bồi mang về cho họ thu nhập khá cao. Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bình quân mỗi hộ thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng, cá biệt có hộ như gia đình anh Trần Văn Ðô thu khoảng 60 triệu đồng. Anh Ðô cho biết, con nước trước, mặc dù giá nghêu giống giảm nhưng anh cũng kiếm được gần 20 triệu đồng.
Thu hoạch nghêu thịt tại HTX Nuôi nghêu Ðất Mũi.
Ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nuôi nghêu Ðất Mũi, tâm sự: "Ðiều đáng mừng là năm nay hoạt động khai thác của người dân không chỉ vào mùa nghêu giống mà thời điểm khác đang dần đi vào quy củ. Qua công tác tuyên truyền cũng như tăng cường quản lý, tình trạng xâm phạm vào vùng nuôi của HTX không còn. HTX đã và đang tìm cách tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thông qua việc thu hoạch nghêu thịt để từng bước giúp họ nâng cao đời sống và khai thác bền vững vùng bãi bồi"./.