Độc lạ món lạp xưởng được chế biến từ cá thác lác
Cá thác lác là một trong những thực phẩm hết sức gần gũi với người dân Việt Nam bởi chúng gắn liền với rất nhiều món ăn quen thuộc như cá thác lác chiên, kho hay món chả cá thác lác trứ danh,...
Cá thác lác được dịp “đổi đời” nhờ sự sáng tạo của ông Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: baoangiang.com.vn
Dù là một thực phẩm có cách chế biến đa dạng, nhưng giá thành của cá thác lác ngày càng “lao dốc”. Nguyên nhân được cho là hiện tại việc nuôi cá thác lác đã và đang lan rộng ở nhiều địa phương. Chính vì nguồn cung quá lớn mà các thương lái đã có cơ hội “ép giá” người dân. Thực trạng này đã khiến mỗi mùa thu hoạch cá thác lác là mỗi dịp người nuôi cá “đứng ngồi không yên”.
Nắm bắt được thực tiễn đó, một người nuôi cá thác lác giàu kinh nghiệm tại An Giang - ông Nguyễn Thanh Tùng đã triển khai mô hình sản xuất các sản phẩm có nguyên liệu chính từ cá thác lác nhằm làm tăng giá trị của loài cá rất đỗi quen thuộc này. Chẳng hạn, chả cá rút xương, chả cá tẩm gia vị, cá thát lát muối sả và gần đây nhất là một sản phẩm tuy lạ mà quen, đó là lạp xưởng cá thác lác.
Ông cho rằng nhờ chất lượng thịt tốt, có độ dai, ngọt và thơm tự nhiên của cá thác lác kết hợp với một tỷ lệ thịt lợn (heo) cùng một số nguyên liệu đặc trưng của người miền Tây sẽ tạo ra một hương vị vừa quen thuộc, vừa mới lạ cho người tiêu dùng.
Một hướng đi sáng tạo và hiệu quả của người nuôi cá thác lác
Một tín hiệu rất đáng mừng đối với sản phẩm lạp xưởng cá thác lác là trong vài năm trở lại đây, nó đã được bày bán và trở thành “cơn sốt” tại nhiều nơi. Bởi ngoài hương vị thơm ngon, độc đáo thì cá thát lát còn có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe con người.
Sản phẩm lạp xưởng với nguyên liệu chính là cá thác lác. Ảnh: baoangiang.com.vn
Hơn nữa, các sản phẩm từ cá thác lác nói chung, lạp xưởng được chế biến từ cá thác lác nói riêng đã góp phần giải bài toán khó về vấn đề lao động và việc làm ở nông thôn, cụ thể là xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Nếu tiếp tục nghiên cứu, mở rộng mô hình sản xuất này cũng như sáng tạo những mô hình kinh doanh tương tự thì chúng ta vừa có thể thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có từ những hộ nuôi nhỏ, lẻ.
Hướng đi này quả thực đã làm vơi bớt nỗi lo lắng, đau đáu về đầu ra của cá thác lác. Giờ đây, người dân không chỉ giảm được nguy cơ thua lỗ khi bị “ép giá” mà còn có thể nâng cao chất lượng và giá trị của cá thác lác thương phẩm. Cũng từ đó, người nuôi cá thác lác yên tâm chăm lo sản xuất và thu được nhiều lợi nhuận hơn sau mỗi mùa thu hoạch.
Ngoài ra, việc cho ra đời sản phẩm lạp xưởng từ cá thác lác cũng tạo ra đa dạng sự lựa chọn hơn của người tiêu dùng. Trước đây, trên thị trường chỉ phổ biến lạp xưởng chế biến từ thịt lợn, thịt bò, tôm thì nay người mua đã có thêm một sản phẩm vừa uy tín, vừa mới lạ là lạp xưởng cá thác lác. Nhờ đó, hạn chế của cá thác lác tươi là có rất nhiều xương đã được khắc phục hoàn toàn; ngay cả những người lo ngại việc hóc xương cũng có thể lựa chọn tiêu thụ sản phẩm này.
Hiện nay, giá bán của lạp xưởng cá thác lác cũng phù hợp với đa số gia đình, bình quân một sản phẩm lạp xưởng cá thác lác có khối lượng 500gr sẽ có giá là 140.000 đồng.
Dựa theo những phản hồi tích cực của người tiêu dùng, món ăn lạp xưởng cá thác lác dự đoán sẽ ngày càng nhận được sự tin tưởng và ưa chuộng của nhiều người.
Như vậy, nhờ vào quá trình lao động tỉ mẩn cùng óc sáng tạo, không ít người dân đã chủ động thực hiện những phương hướng mới góp phần tự tháo gỡ khó khăn của nghề nuôi trồng thủy sản nói chung.