Chợ cầu số 5 – Vĩnh Bình, cầu số 10 – Vĩnh An, Tân Phú… (huyện Châu Thành), Tây Phú, An Bình… (huyện Thoại Sơn), Tân Tuyến, Cô Tô, Tà Đảnh… (huyện Tri Tôn)… vốn nổi tiếng là khu vực tụ họp nhiều loài thủy sản miệt đồng nước, nhưng giờ đây cá đánh bắt thiên nhiên cũng ít dần, kể cả với loài cá phổ biến, như: Cá lóc, cá trê, cá rô… Ngay tại đầu mối vùng kênh Võ Văn Kiệt, T4, T6… muốn kiếm con cá đồng không đơn giản. Lão nông Võ Văn Thủ (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước) nói vui, mùa khô trên đồng cạn kiệt, ai nấy lo thời vụ sản xuất, không đi bắt cá mắm gì được. Vả lại, nguồn lợi kênh Vĩnh Tế đâu còn như xưa, cá ở đây ăn toàn là của đồng tràm Mẹc Lung, Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa chở ra. “Có mấy người tổ chức nuôi cá lóc, cá rô, lươn… nhưng năm trúng năm thất, thức ăn tăng cao; nghe nói hổng thạnh gì cho mấy, mua bán hổng suông sẻ nên hổng ai còn mặn mà cho lắm” – ông Thủ kể. Vậy là, nguồn thủy sản nuôi trồng bổ sung cho đánh bắt bị hụt hẫng, mặt hàng cá đồng thay bằng cá biển từ Vàm Rầy, Ba Hòn chở sang.
Nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên nói rằng, hồi đó, bạn hàng mua cá đồng thường xuyên có mặt khắp các nẻo đường, hễ ai bắt được con cá đem bán là có người mua, nhất là các loài đặc sản, như: Tôm, lươn, rắn, rùa, ếch… không sợ ế chợ hay dội hàng. Ông Đào Văn Thuận (ấp Trung Phú 6, xã Vĩnh Phú) cho hay, bây giờ muốn “lai rai” mồi ngon hay mua đem về ăn phải đi chợ thiệt sớm, cứ việc trời hừng sáng lên một chút là tới chợ chẳng còn thứ gì. Tất cả, bạn hàng thu gom đưa về chợ huyện, chợ tỉnh ăn hết, chỉ còn lại mấy thứ cá hủn hỉn. Nhà nào có khách, lỡ buổi chợ, đành phải cho ăn… đạm bạc; bằng không thì bắt đại con gà, con vịt cho qua bữa. Như để chứng minh cho điều mình nói, ông còn dẫn chúng tôi đi dạo chợ để nhìn thực hư, quả thật toàn là rau cải và các loài cá nuôi bè, ao hầm, như: Điêu hồng, cá tra, cá lóc, cá rô và đa số các loài hải sản.
Nhớ lại thời sung túc nhất, mấy mùa nước tràn đồng và thời điểm nước rút cuối năm, nguồn thủy sản đồng nước thiên nhiên dồi dào đủ chủng loại, thực phẩm tươi sống cho bữa ăn hàng ngày không thiếu thứ nào. Song, trước sức tiêu thụ ngày càng lớn, con cá miệt đồng lại “xuất khẩu” đi mạnh hơn, mọi biện pháp đánh bắt được áp dụng nhanh chóng, kể cả việc rà và cào điện. Do vậy, cá đồng ở chợ quê vùng Tứ giác Long Xuyên ngày càng thưa dần, các loài đặc sản “có một không hai” lại trở nên khan hiếm. Đến chợ Ba Thê, nghe hỏi cá mắm miệt đồng, người dân thị trấn Óc Eo nói ngay: “Cả trăm ngàn đồng một ký. Dám mua hông mà hỏi”. Chúng tôi vặn lại: “Có thiệt cá đồng không”. Người bán cười cười: “Cá đồng thứ thiệt à. Họ tát hầm, đường nước mới bắt được. Nhưng mà hiếm lắm, vài bữa mới gặp bán một lần; mấy người có tiền thấy thì chớp liền, có đâu tới lượt mình mua”.
“Rắn trun bây giờ cũng ít, lâu lâu mới gặp, con nhỏ cỡ ngón tay út. Gom hết chợ kênh Ông Cò chưa đầy một ký” – anh Mai Sao, bạn hàng ngoại thành Long Xuyên, cho hay. Đối với ốc đồng thì… mất tích từ lâu! Cua thuộc loại… đồ bỏ trước đây, nay lên đến 30.000đ – 40.000đ/kg vì khan hiếm. Còn đối lươn, ếch đồng cũng “toàn là những thứ nuôi không hà, ít ai chịu ăn. Báo hại mình mua bán cũng giảm sút theo” – anh Mai Sao nói. Nhiều người cao tuổi ở ngoại thành Long Xuyên còn nói, cá mắm thiên nhiên là phải sinh sống trên kênh, rạch và đồng nước; mà nó không có điều kiện trú ngụ để sinh sôi nảy nở, tái tạo thì tất nhiên bị cạn kiệt. Anh Trần Văn Hết (ấp Bình Hòa 1, xã Mỹ Khánh) tỏ ra hiểu biết: “Ông bà ta hay nói, về sông ăn cá, về đồng ăn cua nhưng ngày nay cá đồng khan hiếm, cua đồng cũng biến mất… Nhất nhất đều ngóng trông về chợ hết”.
Chợ Ba Thê được xem là đầu mối vùng Tứ giác Long Xuyên, giao thương thuận tiện cả đường bộ lẫn đường sông, nên hàng hóa tiêu thụ mạnh, đầy ắp các loài cá đồng. Hồi đó, cứ việc sáng sớm, tấp nập xuồng ghe, tắc ráng về Ba Thê là lớp mua bán cá, lớp người sắm vật dụng gia đình, không khí chợ quê nhóm họp nhộn nhịp, sung túc lên hẳn. Thời kỳ hưng thịnh nhất, hàng ngày có từ 8.000kg đến 10.000kg các loài thủy sản thiên nhiên tập trung về đây, chưa kể số bạn hàng lẻ mua dạo theo các tuyến kênh. “Vựa có xe tải nhẹ, tắc ráng loại lớn chuyển về Long Xuyên, rồi đưa đi thẳng các nơi, không phải qua trung gian” – ông Nguyễn Văn Nở, dân sở tại kể lại. Còn bạn hàng lẻ, dùng xe Honda chở vài chục ký cá đưa về Long Xuyên và các chợ nhỏ ngoại thành. Bây giờ, sinh hoạt đó chỉ còn trong ký ức của người dân Tứ giác Long Xuyên, họ xem đó như là một kỷ niệm đẹp một thời gắn bó với vùng đất này.