Tổ công tác đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính các hộ nuôi tôm chân trắng trên địa bàn xã Tam Tiến, lập biên bản vi phạm hành chính 23 trường hợp, với 26 ao nuôi, tổng diện tích 16.407m2. Tuy mới kiểm tra, lập biên bản ở phía Đông đường Thanh niên ven biển, nhưng số đối tượng nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép phát sinh mới khá nhiều, trong đó có 13 trường hợp đã làm hồ chưa thả tôm. Phần lớn các ao nuôi tôm nằm xen lẫn trong khu dân cư; hoặc nằm sát biển nên ảnh hưởng rất lớn đến việc sạt lở bờ biển và ô nhiễm môi truờng sinh hoạt của cộng đồng dân cư, gây bất bình trong nhân dân.
Thực tế qua kiểm tra cho thấy, các đối tượng vi phạm tránh né tổ công tác và dù đã ký cam kết, ký biên bản vi phạm hành chính, nhưng các hộ vi phạm vẫn còn tư tưởng tiếp tục hoàn thiện ao trái phép và thả tôm nuôi. Mặt khác, các đối tượng vi phạm không khai báo trung thực, không cung cấp giấy tờ cần thiết như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chuyển nhượng, thuê đất cho tổ công tác.
Ông Nguyễn Đình Sơn, cán bộ tổ công tác cho biết: “Với nhiều biện pháp đồng bộ, thế nhưng hiện nay, việc ngăn chặn tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép trên địa bàn huyện tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Qua theo dõi, số đối tượng vi phạm quá nhiều, do vậy, dù đã cố gắng hết mức nhưng mỗi ngày tổ công tác huyện chỉ lập được khoảng 7 đến 8 biên bản vi phạm. Cứ đà này thì phải mất 3 tháng mới xử lý hết các đối tuợng nuôi tôm chân trắng trái phép”.
Vì vậy, tổ công tác huyện đề xuất tăng cuờng cán bộ nghiệp vụ, rút ngắn thời gian xử lý vi phạm, đảm bảo xử lý công bằng, không để tình trạng xử lý hộ này, không xử lý hộ kia, gây sự so bì trong nhân dân.
Cũng theo ông Sơn, việc ngăn chặn tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép ở các xã Tam Tiến, Tam Hoà, Tam Hải (huyện Núi Thành) cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, không chỉ tuyên truyền mà còn phải vận động, thuyết phục, có biện pháp cứng rắn để các đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm, đồng thời kiên quyết xử lý bằng biện pháp cuỡng chế đối với những đối tượng cố tình vi phạm.