Có mặt tại Cảng cá Phan Thiết, chúng tôi đã ghi nhận hình ảnh nhiều bình gas đặt lộ thiên sát nhau, một số bình bị hoen rỉ, ống dẫn gas đã cũ, nứt nhưng vẫn được ngư dân sử dụng. Ngay trên những con tàu, dây điện được đấu nối chằng chịt và đặt cạnh các máy chạy dầu, do đó nguy cơ rò rỉ gas và xảy ra cháy, nổ là rất lớn.
Ông Phạm Nữa - ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là người từng chứng kiến một vụ nổ nghiêm trọng. Đó là vụ nổ tàu cá BV 94157 - TS, xảy ra vào tháng 2/2017, do ông Nguyễn Thành Thái (ngụ huyện Long Điền) làm thuyền trưởng. Lúc đó, khi đang đánh bắt trên vùng biển cách mũi Vũng Tàu khoảng 32 hải lý thì bình gas trên tàu bất ngờ phát nổ; vụ việc trên làm 1 người tử vong, 12 thuyền viên bị thương, tàu cá bị cháy hoàn toàn. Ngày 7/5/2017, tàu thu mua hải sản BTh 99919 - TS của ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Long Hải (Phú Quý) cũng bất ngờ bốc cháy, thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Ngày 14/2/2017, tàu đánh cá BTh 99578 - TS của ông Nguyễn Văn Tặng, ở phường Bình Tân (La Gi) cũng xảy ra cháy, thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị.
Ông Lê Văn Thịnh - một ngư dân từng có hàng chục năm gắn bó với những chuyến biển dài ngày lo lắng: Hiện có rất nhiều tàu thuyền không trang bị bình cứu hỏa, bếp và bình gas bố trí không hợp lý. Ngoài ra, việc một số tàu cá để bình gas ngoài cabin sẽ rất nguy hiểm, vì khi bình gas tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và nước biển lâu ngày sẽ bị hoen rỉ, rất dễ dẫn đến cháy, nổ, có thể cháy lan sang các tàu khác khi cập cảng. Còn anh Bùi Văn Thành (ngư dân phường Đức Long, TP. Phan Thiết) cho biết: Lo sợ cháy nổ tàu thuyền từ các bình gas nên mới đây anh đã chuyển sang dùng bếp than để nấu ăn.
Được biết, để ngăn chặn cháy nổ trên tàu thuyền, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, diễn tập về PCCN. Tuy nhiên, hiện vẫn có không ít chủ tàu còn xem nhẹ công tác này. Qua kiểm tra, ngành chức năng đã lập biên bản, yêu cầu khắc phục và xử phạt nhiều trường hợp với các lỗi như: lắp đặt, sử dụng thiết bị đóng ngắt, bảo vệ điện không đảm bảo an toàn PCCC; thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về PCCC; không phổ biến nội quy, quy định về PCCC; không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ…
Trung tá Trịnh Minh Hiển - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ trên tàu thời gian qua chủ yếu do bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng bình gas trong quá trình đun nấu. Bên cạnh đó, việc sử dụng các dây dẫn gas hoặc các đầu đấu nối giữa bình gas và bếp gas không đảm bảo, dẫn đến việc gas bị rò rỉ gây cháy nổ tàu.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC trên các tàu cá, ngư dân phải thận trọng trong quá trình đun nấu và cử người trông coi liên tục; thường xuyên kiểm tra các thiết bị như: bếp gas, bình gas, dây dẫn; khi nấu xong phải đóng ngắt các van, khi lắp đặt các bình gas trên tàu phải đảm bảo chắc chắn để nếu bị tác động bởi sóng, gió thì dây dẫn gas sẽ không bị đứt, bình gas không bị ngã…