Nhộn nhịp cả đêm
22 giờ 30 phút, khu vực đầm Nha Phu thuộc thôn Lệ Cam, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa chìm trong tĩnh lặng. Nhưng chỉ vài phút sau, sự yên tĩnh đó nhanh chóng bị phá vỡ bởi tiếng động cơ mỗi lúc một dồn dập của những chiếc ghe cào sò. Ông Võ Thành Lộc, Trưởng thôn Lệ Cam cho biết, từ khoảng tháng 9-2014 đến nay, hoạt động cào sò diễn ra khá rầm rộ. Đối tượng hành nghề chủ yếu đến từ các thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích) và Tân Thủy (xã Ninh Lộc). Các ghe cào sò hoạt động từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Có đêm có đến 30, 40 ghe quần thảo trên đầm, ồn ào như một đại công trường.
Theo quan sát của chúng tôi, ghe cào sò có nhiều loại từ nhỏ đến lớn, kéo theo sau những khung cào hình trụ có chiều dài từ 1,2 - 1,4m. Khi khung cào được thả xuống, các răng cào cắm sâu xuống đáy đầm từ 2 - 3cm, cứ như thế ghe chạy đến đâu khung cào chạy tới đó, cuốn theo tất cả những gì có trong đầm, từ sò, ghẹ đến san hô... Mỗi đêm cào sò như vậy, nếu “trúng quả”, các đối tượng có thể kiếm từ 2 - 3 triệu đồng.
Nhộn nhịp cào sò trên đầm Nha Phu
Bức xúc trước tình trạng trên, người dân thôn Lệ Cam đã nhiều lần trình báo lên chính quyền xã, các cơ quan chức năng, đồng thời tổ chức vây bắt nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thậm chí có trường hợp sau khi bị thu giữ phương tiện, các đối tượng cào sò đã thuê người đến phá hoại tài sản của người dân trong thôn vì “tội” tố cáo với cơ quan chức năng.
Chiếc ghe được cho là của gia đình ông Nguyễn Văn Thưởng đang ở thôn Tân Thủy, xã Ninh Lộc
Khó xử lý...
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết, xã đang gặp khó khăn trong việc xử lý tình trạng cào sò trên đầm Nha Phu. Nguyên nhân là do xã không có phương tiện, con người để ngăn chặn tình trạng này; xã cũng không đủ chức năng, thẩm quyền giải quyết nên khó xử lý. Hầu hết các trường hợp ghe cào sò bị bắt, lập biên bản là do người dân bức xúc, vây bắt rồi giao cho địa phương lập biên bản, sau đó bàn giao cho Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) xử lý. Tuy nhiên, với mức xử phạt như hiện nay (thu giữ công cụ cào sò, phạt hành chính từ 1,5 - 2 triệu đồng/trường hợp) không đủ sức răn đe nên các đối tượng tiếp tục vi phạm. Ông Lê Trọng Mai, Đội trưởng Đội Thanh tra số 3 Sở NN-PTNN cũng cho biết, hoạt động cào sò ở khu vực đầm Nha Phu thuộc thôn Lệ Cam nằm trong danh mục cấm. Tuy nhiên việc kiểm tra, ngăn chặn tình trạng này khá khó khăn do mỗi khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, các đối tượng liền chạy mất. Thời gian qua, đội đã xử lý 9 trường hợp vi phạm, hầu hết là do người dân bức xúc vây bắt rồi giao cho chính quyền xã.
Dụng cụ cào sò của các đối tượng bị thu giữ tại UBND xã Ninh Phú
Chính vì chưa được xử lý triệt để nên hiện nay hoạt động cào sò theo kiểu tận diệt vẫn diễn ra trên đầm Nha Phu, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống người dân địa phương. Và sau mỗi đêm quần thảo trên đầm, đến sáng hôm sau mặt nước đầm không còn trong như bình thường mà thay vào đó là màu đục ngầu của lớp bùn non bị khuấy lên.