1. Cấp 60 tấn hóa chất Sodium Chlorite cho tỉnh Kiên Giang
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia cho tỉnh Kiên Giang. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 60 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Kiên Giang phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và hỗ trợ kịp thời số hóa chất nêu trên theo đúng quy định hiện hành.
2. Giá cua đồng giảm nhẹ do sản lượng tăng
Tại các vựa cua đồng huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) thu mua mỗi ngày 4 - 5 tấn, tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm bình thường. Tuy nhiên, giá cua đồng thương phẩm giảm 4 - 5 nghìn đồng/kg, dao động ở mức 15 - 20 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá càng cua đồng vẫn ở mức cao, từ 150 - 180 nghìn đồng/kg, không giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại các huyện An Phú, Tân Châu (An Giang), sản lượng cua đồng tăng gấp đôi so với thời điểm vài tháng trước nên giá cua đồng cũng giảm nhẹ. Nhiều nông dân ở đây cho biết, do mưa lớn, lũ lên nhanh nên lượng cua đồng được nông dân đặt lờ, lợp tăng mạnh. Cua đồng sau khi thu mua sẽ được tách vỏ, phân loại và phân phối cho các chợ, cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ...
3. Thừa Thiên - Huế: Vụ cá Nam trúng mùa, trúng giá
Không chỉ được mùa mà vụ cá Nam năm nay ngư dân Thừa Thiên - Huế còn được giá với mức tăng gấp đôi năm 2017.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, 7 tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác thủy, hải sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế ước đạt 23.874 tấn, tăng 5,5%; trong đó khai thác biển 21.642 tấn, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, hiện nay, sản lượng đánh bắt vụ cá Nam tăng cao với những chuyến đánh bắt xa bờ trở về thành công. Một số tàu đánh bắt được sản lượng lớn từ 10 - 20 tấn, chủ yếu là các loại cá nục bông, cá nục gai bán với giá cao, đem lại khoản tiền lãi từ 50 đến 100 triệu đồng.
Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ nâng đội tàu đánh bắt xa bờ lên 600 chiếc và nâng tỷ trọng sản lượng khai thác xa bờ đạt trên 70%.
4. Vạn Ninh: 200 triệu đồng thực hiện quy định tạm thời vùng nuôi thủy sản
UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vừa dự trù nguồn kinh phí 200 triệu đồng để thực hiện kế hoạch tuyên truyền, thống kê và vận động di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn theo Quy định tạm thời đối với các vùng lồng bè trên biển của tỉnh. Thời gian thực hiện từ nay đến ngày 31-12.
Theo đó, toàn huyện sẽ phổ biến rộng rãi Quyết định 395 ngày 2-2-2018 của UBND tỉnh Quy định tạm thời đối với nuôi trồng thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND xã, thị trấn, nhà cộng đồng, trụ sở thôn, tổ dân phố; in ấn và phát tờ rơi về vị trí, ranh giới, quy mô diện tích của các vùng nuôi tạm thời, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện hành; điều tra, thống kê hiện trạng số lượng lồng bè; tổ chức vận động các hộ di dời về đúng vùng quy hoạch tạm thời; quản lý lao động trên bè…
Theo Quyết định 395, huyện Vạn Ninh có 6 vị trí quy hoạch lồng bè là: Xuân Tự 1 (Vạn Hưng); Lạch Cổ Cò (Vạn Thạnh); Bãi Nặm và Bãi Sau (Khải Lương, Vạn Thạnh); Cửa Lớn phía Mũi Cổ Cò; Nam Hòn Ông và Hòn Vung (thị trấn Vạn Giã).