Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác nhằm phát triển kinh tế thủy sản. Nghị định 17 có hiệu lực thi hành từ ngày 25-3-2018.
Theo đó, Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng các dự án Trung ương quản lý các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống tập trung, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trung tâm giống thủy sản; đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu: cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn trên toàn quốc.
Nghị định cũng bổ sung quy định cơ chế xử lý rủi ro trong chính sách tín dụng. Theo đó, cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện, chủ tàu mới vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao tại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ. Chính sách cho vay vốn lưu động cũng được sửa đổi. Hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới và sở hữu khai thác hải sản xa bờ, hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên. Với tàu cá công suất từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị tàu đóng mới, nhưng không vượt quá mức hỗ trợ tối đa 6,7 tỷ đồng/tàu. Tàu công suất 1.000CV trở lên được hỗ trợ 35% giá trị con tàu, nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ hằng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên làm việc trên tàu và hỗ trợ hằng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro, không bao gồm bảo hiểm ngư lưới cụ)…
Với những chính sách bổ sung đó, ngư dân có thể chủ động tự quyết định vay tiền ở đâu, đóng tàu như thế nào. Chính vì vậy sẽ thuận lợi hơn cho cả cơ quan quản lý, ngân hàng và ngư dân. Ngư dân có thêm động lực để yên tâm vươn khơi bám biển, làm giàu chính đáng, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đến nay, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngành kinh tế biển đã được các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh tích cực triển khai với mục tiêu tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương từng bước phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, tăng khả năng vươn khơi. Cùng với việc tạo điều kiện để ngư dân phát triển kinh tế biển, các cơ quan chức năng cũng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc cho ngư dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động sản xuất trên biển.