Hợp tác xã Can Hồ, xã Bản Khoang, nuôi cá nước lạnh từ năm 2006, hiện cơ sở này có 10 ao nuôi cá nước lạnh với sản lượng khoảng 20 tấn/năm, trong đó có 5-7 tấn cá tầm. Ông Nguyễn Văn Lũy, Chủ nhiệm hợp tác xã thừa nhận rằng cá nước lạnh nhập lậu đang “giết chết” cá nước lạnh nội địa một cách “từ từ”. Cách lý giải của ông Lũy là cá tầm của Trung Quốc nuôi 6 - 9 tháng đã đạt trọng lượng 2 - 4kg/con, trong khi đó cá tầm nuôi tại Sa Pa cần thời gian 18 - 24 tháng. Nhiều chủ cơ sở nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa cho biết, khi nhìn bề ngoài, cá tầm nhập lậu và cá nuôi nội địa là không thể phân biệt, kể cả với những người có kinh nghiệm nhất. Chỉ có thể phát hiện trên màu sắc của thịt, cá, cá tầm nội địa có màu hồng, đỏ tươi, cá nhập lậu thiên về màu trắng bợt. Chất lượng cá nhập lậu là khác xa, thịt cá bở, ăn nhạt, nặng mùi tanh, trong khi cá tầm nội địa thịt chắc, có vị ngọt đậm và thơm ngon hơn. Nhưng cá nước lạnh chưa phổ biến nên khách hàng rất khó phân biệt khi sử dụng sản phẩm.
Trong nước có ít địa phương đủ điều kiện nuôi cá nước lạnh và Sa Pa nói riêng (địa chỉ đầu tiên của Việt Nam sản xuất cá tầm), một số huyện, thành phố trong tỉnh nói chung vẫn là nơi có chất lượng cá nước lạnh tốt nhất. Cá nước lạnh của Lào Cai đang hội tụ và chuẩn bị các điều kiện để xây dựng thương hiệu thì nguồn cá nhập lậu là cản trở lớn cho chủ trương này. Cá nước lạnh còn là sản phẩm ẩm thực đặc trưng của vùng đất Sa Pa, nhưng việc các nhà hàng sử dụng cá nhập lậu với chất lượng thấp sẽ khiến cho khách hàng mất lòng tin, hậu quả lớn hơn là gây hại cho nghề nuôi cá nước lạnh của tỉnh.
Một cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh cho biết: Cá tầm nhập lậu qua biên giới vào Lào Cai rồi theo 2 con đường chính là tiêu thụ tại Sa Pa và chở về các tỉnh, thành phố miền xuôi. Trước đây, cá nhập lậu được các thương lái trà trộn với cá nước lạnh Lào Cai, giờ đây cá lậu được đưa thẳng về xuôi bằng xe chuyên dụng. Theo nguồn tin mà chúng tôi nhận được thì lượng cá nước lạnh, chủ yếu lá cá tầm nhập lậu có thời điểm tới 7 - 10 tấn/ngày. Mặc dù vậy, trong năm 2012, cơ quan chức năng của tỉnh mới phát hiện, xử lý được 2 vụ buôn bán, vận chuyển cá nhập lậu với tổng trọng lượng gần 10 tấn (!?).
Tại sao cá tầm nhập lậu lại có thể dễ dàng tiêu thụ tại thị trường nội địa? Câu trả lời là do chất lượng thấp nên giá cá nhập lậu trên thị trường khoảng 80 - 100 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá cá nội địa là 160 - 200 nghìn đồng/kg.
Thiệt hại do cá nhập lậu đối với sản xuất đã quá rõ ràng, bởi cách đây mấy năm, giá cá tầm tại Sa Pa là 400 - 600 nghìn đồng/kg, giá cá hồi vân cũng đạt 300 - 400 nghìn đồng/kg. Giám đốc một doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa cho biết: Mức đầu tư ban đầu cao, chi phí nuôi cá nước lạnh ngày càng lớn, do phải nhập khẩu nguồn thức ăn từ châu Âu, nên giá cá thương phẩm không thể thấp hơn. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên diễn đàn, ngày càng có nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa chỉ trích tình trạng kiểm soát thiếu hiệu quả của cơ quan chức năng đối với tình trạng nhập lậu cá nước lạnh. Thậm chí có chủ cơ sở nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa còn mạnh dạn chỉ đích danh người nhập lậu cá nước lạnh và đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm đối với cơ quan có liên quan.
Khi nghề nuôi phát triển mạnh về diện tích, năng suất, sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm, thì cũng là lúc cá nước lạnh Sa Pa chịu sức ép lớn từ cá nhập lậu qua biên giới. Không còn là tiềm tàng, cá nước lạnh nhập lậu đã thực sự hiện hữu và là hiểm họa với người nuôi cá trong tỉnh.
Ngăn chặn luồng cá nhập lậu, bảo vệ sản xuất trong nước là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong lúc này. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của các cơ quan chức năng tại khu vực biên giới và cơ quan kiểm soát thị trường nội địa. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nêu cao ý thức, đạo đức kinh doanh của các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ẩm thực, cần phải “nói không” với cá nhập lậu. Với các cơ sở nuôi cá nước lạnh, việc giảm giá thành đầu tư, có biện pháp tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng là một trong những yếu tố đánh bật cá nhập lậu một cách tự nhiên và bền vững.