Gian nan khởi nghiệp
Sinh ra tại thôn An Lạc, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, Nguyễn Xuân Duy tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội). Ra trường, Duy công tác ở Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Hưng Yên một thời gian, sau đó chuyển sang Sở Thông tin và Truyền thông. Công việc của Duy lúc này là quản lý báo chí và xuất bản.
Trong quá trình làm việc, Duy thấy báo chí đăng tải nhiều mô hình làm giàu ngay tại nông thôn rất hấp dẫn. Điều này khiến Duy nảy sinh ý tưởng làm kinh tế song song với công việc tại cơ quan để cải thiện thu nhập. Trong các mô hình kinh tế Duy thu thập được, anh ấn tượng với mô hình nuôi ếch hơn cả.
“Cứ đến ngày nghỉ tôi lại đến các trang trại nuôi ếch để học hỏi kinh nghiệm. Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy mô hình nuôi ếch khá đơn giản, hiệu quả cao, chi phí đầu tư ít, thời gian xuất bán nhanh. Hơn nữa, ếch cũng là loài ít dịch bệnh, thịt thơm ngon, bổ dưỡng, thị trường lại chưa bão hòa… nên tôi quyết định đầu tư làm” - anh Duy chia sẻ.
Nói là làm, Duy vay mượn được 10 triệu đồng. Số tiền này Duy đầu tư chuồng trại và mua 3.000 con ếch giống về thả. Năm đó, dù ếch phát triển đúng kỳ vọng nhưng thị trường đầu ra không có, Duy đành nhờ người nhà mang từng con ếch ra chợ bán rẻ. Lần đầu nuôi, Duy lỗ 6 triệu đồng.
Đàn ếch của anh Duy mỗi ngày một nhiều
Không nản chí, Duy xoay sang hướng khác. Anh tiếp tục vay tiền mua 1 vạn con cá rô đồng để nuôi. Lần này có thị trường đầu ra nhưng do thiếu kinh nghiệm nuôi cá, Duy chỉ thu hoạch được 3 tạ. Sau khi bán cá, Duy hòa vốn.
Lại một lần nữa Duy trở về nuôi ếch, chỉ khác là anh không nuôi ếch thương phẩm mà nuôi ếch bán giống. Duy mua 10 cặp ếch giống với giá 500 nghìn đồng/cặp về thả trong lồng lưới. Năm đầu tiên ếch không đẻ. Chán nản, nghĩ mình lại thất bại nên Duy chuyển sang nuôi cá chuối và ba ba. Số tiền đầu tư chính là tiền bảo hiểm chế độ thai sản của vợ anh, một giáo viên.
Trong khi chưa có giống cá chuối và ba ba, anh Duy thả tạm vài cặp ếch bố mẹ vào bể. Bất ngờ, mấy cặp ếch đẻ trứng dày đặc, nở được 120 vạn nòng nọc. Lứa ếch giống đầu tiên tình cờ thành công, bán có lãi, Duy kiên định hướng nuôi ếch.
Bỏ công chức, làm nông dân
Con đường sự nghiệp đang tiến triển tốt, thu nhập từ ếch có triển vọng nên Duy nghĩ mình cần chuyên tâm vào một thứ. Năm 2010, anh xin nghỉ việc để tập trung vào việc nuôi ếch.
Khỏi phải nói phản ứng của người thân quen khi anh Duy đưa ra quyết định này. Gia đình, họ hàng và những người quen biết đều nghĩ Duy “có vấn đề” khi từ bỏ môi trường nhiều người mơ ước để làm việc không đâu.
Ếch bố, mẹ được nuôi trong bể lưới với chế độ đặc biệt
Nói về việc này anh Duy cho biết, môi trường công chức không hợp với anh vì khuôn khổ, gò bó. Hơn nữa, mức lương công chức vào thời điểm đó không cao, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm giáo viên mầm non cũng chỉ được 1 triệu đồng/tháng. Với đồng lương đó, việc nuôi cha mẹ già và hai con nhỏ gặp nhiều khó khăn.
Khi nghỉ việc, anh Duy mua thêm 100 cặp ếch bố mẹ về nuôi. Do thiếu kinh nghiệm giữ ếch qua mùa đông nên số ếch giống bị lạnh, chết gần hết. “Cú đòn” này khiến anh lỗ hàng trăm triệu đồng.
Nợ chồng nợ nhưng anh Duy không đầu hàng. Anh tiếp tục vay tiền để mua ếch giống. Anh đi khắp các trang trại nuôi ếch sinh sản ở Bắc – Trung – Nam để tìm hiểu kinh nghiệm giữ ếch qua đông.
Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm của các trang trại, cuối cùng anh đã tìm ra cách riêng của mình. Cuối thu, đầu đông khi trời se lạnh, ếch lười ăn, anh Duy bắt đầu đào hầm trú đông cho ếch bố mẹ. Nhờ vậy, mà số ếch giống của gia đình anh được an toàn, đến đầu mùa hạ, sinh sản rất tốt.
Anh Duy cho hay, chất lượng ếch phụ thuộc rất nhiều vào ếch giống. Ếch 1 tuổi đã bắt đầu tham gia sinh sản, ếch bố mẹ loại 2-3 tuổi sẽ có chất lượng sinh sản tốt hơn: thu được số lượng trứng nhiều hơn, trứng to, nở con mập mạp, có sức sống mạnh, nuôi mau lớn. Con cái đẻ năm thứ nhất được 2.500 - 3.000 trứng. Nhưng con cái 3-4 tuổi sẽ đẻ 2 đợt trong năm được 4.000 - 5.000 trứng. Ếch đẻ đợt 2 cách đợt đầu khoảng 3 tuần lễ.
Cận cảnh ếch bố, mẹ trong hồ nhà anh Duy
Hiện nay, đàn ếch của anh Duy đã phát triển lên đến hàng nghìn cặp, phân phối cho thị trường ếch giống có ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi năm, anh “bỏ túi” được khoảng 500 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Duy còn tiếp tục đầu tư mở rộng, làm trang trại nuôi thêm gà Đông Tảo, cá trê lai… Anh Duy mong muốn tới đây sẽ thành lập công ty, hợp tác xã để biến việc làm nông nghiệp trở nên quy mô, khoa học hơn.
Với những việc làm đó, anh Duy không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn tạo điều kiện thu nhập cho nhiều hộ dân khác. Theo anh, phải dám sống với ước mơ của chính mình và theo đuổi đến cùng sự nghiệp. Có như vậy, thành công sẽ tự gõ cửa tìm mình.