Hai tháng đầu năm sản lượng xuất khẩu thủy sản tăng
Thị trường xuất khẩu hàng đầu của ngành thủy sản Việt Nam đầu năm 2017 là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc, chiếm 51,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong tháng 1/2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (50,3%), Brazil (26,4%) và Nhật Bản (10,2%).
Trong tháng 2/2017, nhu cầu nhập khẩu cá tra của thị trường Trung Quốc và các nước EU tăng, đẩy giá cá tra tăng mạnh. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 82.000 tấn, tăng 5% so cùng kỳ. Trong đó: Đồng Tháp đạt 24.800 tấn, tăng 0,4%; Bến Tre 17.800 tấn, tăng 26,6%; An Giang 24.200 tấn, giảm 3,2%. Xu hướng giá cá tra tiếp tục tăng do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - doanh nghiệp chuyên về tôm, cho biết đã kín đơn hàng đến hết quý 1/2017. Công ty đang hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả, đi vào các sản phẩm chế biến sâu, vận động người dân nuôi tôm sạch. Dự báo từ VASEP cho thấy giá tôm năm 2016 tăng đã khích lệ nông dân và doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm nên sản lượng sẽ tăng nhẹ trong năm 2017.
Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 859.500 tấn, tăng 2,2%, so với cùng kỳ, trong đó nuôi trồng ước tính đạt 466.900 tấn, tăng 2,1%; khai thác ước tính đạt 392.600 tấn, tăng 2,4%.
Không những vậy, theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn, một số thị trường tiêu thụ thủy sản còn sử dụng truyền thông để bôi nhọ hình ảnh thủy sản Việt Nam. Dưới sức lan tỏa của mạng xã hội và internet thì rõ ràng những tác hại này là không thể đo đếm và sẽ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường. Điều này được dự báo sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực đến cổ phiếu ngành thủy sản.
Cổ phiếu ngành thủy sản phân nhóm rõ rệt
Vào thời điểm 2014-2015, cổ phiếu ngành thủy sản được xem như là sự lựa chọn của nhà đầu tư, với hàng loạt mã cổ phiếu: HVG (CTCP Hùng Vương), VHC (CTCP Vĩnh Hoàn), MPC (CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú), FMC (CTCP Thực phẩm Sao Ta), SJ1 (CTCP Nông nghiệp Hùng hậu), ABT (CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre)… thì đến nay chỉ còn một số ít cái tên được giới đầu tư quan tâm như: VHC, FMC, ABT, bởi vì những cổ phiếu này vẫn duy trì được giá, thậm chí tăng trưởng vượt bậc.
Ngày 23/3, cổ phiếu của VNH (Thủy sản Việt Nhật) bị hủy niêm yết bắt buộc tại HOSE. Nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả này là do kết quả kinh doanh của công ty bị thua lỗ trong nhiều năm liên tục. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế từ năm 2014 đến năm 2016 lỗ đến âm 70 tỷ đồng.
Từng là công ty số 1 trong ngành thủy sản cách đây chục năm nhưng giờ đây Nam Việt, đang chật vật tìm kiếm lợi nhuận do trót đầu tư gần ngàn tỷ đồng vào hàng loạt lĩnh vực như phân bón, ngân hàng, bảo hiểm… Cùng với sự sa sút thì cổ phiếu “trăm ngàn” thuở nào đã lao dốc mạnh, chỉ loanh quanh mệnh giá suốt nhiều năm nay. Hiện tại, cổ phiếu ANV của Nam Việt chỉ có giá 7.850 đồng/cổ phiếu.
Hiện nay, cổ phiếu của một số công ty ngành thủy sản có thị giá chỉ vài trăm đồng/cổ phiếu. Đó là ATA của Ntaco từng niêm yết tại HOSE nhưng nay phải đăng ký giao dịch tại UPCoM với giá 800 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh trong vòng 4 năm cũng bị tụt dốc mạnh, cụ thể: năm 2013, lợi nhuận sau thuế đạt 321 triệu đồng; năm 2014 lỗ 14 tỷ đồng; năm 2015 lỗ 425 tỷ đồng.
Cổ phiếu AVF của Việt An có thị giá thấp nhất thị trường chứng khoán chỉ 300 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh của AVF trong mấy năm qua thua lỗ trầm trọng. Cụ thể, năm 2014, lỗ 735 tỷ đồng; năm 2015 lỗ 31 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 524 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế trong 3 năm lên đến 1.290 tỷ đồng.
Bên cạnh hàng loạt cổ phiếu tụt giá thê thảm, vẫn còn đâu đó cổ phiếu tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng mạnh như VHC, ABT. Từ mức giá 31.000 - 32.000 đồng/cổ phiếu thời điểm cuối năm 2014, hiện tại giá cổ phiếu VHC đạt 54.500 đồng/cổ phiếu, dù trong quá trình kinh doanh cũng gặp không ít bất lợi về nguồn nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, thậm chí là bị đối tác “xù” tiền hàng… Tương tự, dù không mấy nổi bật trong kinh doanh nhưng đến thời điểm hiện tại cổ phiếu ABT, vẫn giữ được đà tăng trưởng của mình dù thị giá hiện tại có sụt giảm % so với thời điểm 2014. Cổ phiếu ABT đang ở mức 42.900 đồng/cổ phiếu.