Tùy theo lứa tuổi và tình trạng sinh lý mà có nhu cầu canxi khác nhau nhưng các nhà dinh dưỡng đều thống nhất là canxi rất quan trọng đối với trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi và thời kỳ tiền dậy thì vì đây là những giai đoạn tăng tốc về chiều cao.
Tuy nhiên, việc bổ sung canxi ở giai đoạn trẻ dưới 10 tuổi đã được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt về tăng mức khoáng hóa xương hơn là bổ sung ở giai đoạn dậy thì.
Phụ nữ khi có thai sẽ cần lượng canxi cao hơn lúc bình thường vì phải cung cấp cho cả thai nhi. Người mẹ nuôi con bú cũng rất cần bổ sung canxi vì cứ cho con bú trong 6 tháng thì cơ thể người mẹ có thể mất từ 4%-6% lượng canxi của xương. Người trên 50 tuổi (cả nam lẫn nữ), thiếu niên 10-18 tuổi cũng là hai đối tượng có nhu cầu canxi rất cao.
Các nhà dinh dưỡng cũng đã từng đưa ra một bảng nhu cầu khuyến nghị về khẩu phần ăn cho người châu Á mà chúng ta có thể tham khảo. Theo đó, nhu cầu canxi theo tuổi/ngày theo thứ tự từ cao đến thấp là: nhóm các đối tượng, gồm phụ nữ nuôi con bú, phụ nữ có thai, người trên 50 tuổi, thiếu niên 10-18 tuổi (1.000 mg/ngày); nhóm tiếp theo gồm người từ 19 - 50 tuổi, trẻ 7 - 9 tuổi (700 mg); tiếp sau đó là trẻ 4 - 6 tuổi (600 mg), trẻ 1 - 3 tuổi (500 mg), trẻ 6 - 11 tháng (400 mg) và thấp nhất là trẻ 0 - 5 tháng (300 mg).
Muốn lựa chọn thực phẩm cung cấp canxi cho khẩu phần ăn hằng ngày, chúng ta nên tham khảo bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam đã được Viện Dinh dưỡng công bố, để biết hàm lượng canxi trong một số thực phẩm thường sử dụng.
Theo đó, cứ 100 g trọng lượng thì hàm lượng canxi lần lượt có trong một số loại thực phẩm như sau: cua đồng (5.040 mg), tôm, tép khô: (2.000 mg), ốc (1.500 mg), vừng (1.200 mg), phô mai (800 mg), sữa (663 mg), đậu phụ (510 mg), sữa chua (225 mg), nấm hương khô (184 mg), rau đay (182 mg), rau ngót (169 mg)…