Đắm mình với cần thủ câu đêm trên dòng Đà Giang

Sau một ngày lao động vất vả vì để mưu sinh, khi màn đêm buông xuống, nhiều người dân ở TP. Hòa Bình lại tìm đến những phút thảnh thơi cùng chiếc cần câu bên bờ sông Đà. Có thể ngồi hàng giờ đồng hồ đợi tiếng cá đớp mồi rung rinh mặt nước, dường như người đi câu chẳng hề quan tâm đến việc có câu được nhiều cá hay không mà chỉ cốt thử thách sự kiên nhẫn của bản thân và tìm niềm vui trong chờ đợi.

câu cá đêm
Anh Thuận đang câu cá đêm trên sông Đà

Nghệ thuật dùng mồi

Đêm Hòa Bình vắng lặng, nghe tiếng sông Đà thở than, tôi bỏ lại phía sau giấc ngủ chập chờn, rảo bước trên con đường từ khách sạn hướng ra phía bờ sông. Đêm 16, trăng sao vằng vặc in bóng dưới lòng sông lấp lánh, gió thổi sóng lăn tăn. Những âm thanh của ngày đã chìm sâu trong giấc ngủ nhưng trên chiếc cầu lớn bắc ngang sông Đà nối hai đầu thành phố, vẫn có những bóng người lặng phắc đổ dài theo những chiếc cần câu. Đây hẳn là những người câu cá đêm lão luyện bởi nhìn cách họ ngồi trầm ngâm như bất động toát lên một phong thái ung dung, trầm tĩnh lạ thường. Nhìn họ, tôi lập tức liên tưởng đến hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến "Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo…".

Một trong số những chiếc cần câu đang thả cước trên sông khẽ động đậy khiến chiếc chuông nhỏ gắn trên đầu cần phát ra những tiếng leng keng vui nhộn, người chủ của nó rít một hơi thuốc rồi thong thả kéo cần. Một chú cá to bằng cổ tay được kéo lên khỏi mặt nước, lớp vẩy bạc trắng sáng lấp lánh dưới ánh đèn đường. Tôi thích thú chạy lại xem. Người câu cá đêm nhìn tôi cười tự nhiên như đã từng gặp, khéo léo gỡ cá khỏi móc câu thả vào xô nước. Anh giới thiệu mình tên là Nguyễn Văn Thuận (ở khu Chợ Mới, phường Hữu Nghị, TP.Hòa Bình).

Tôi hỏi về chiến lợi phẩm vừa câu được, anh Thuận cho biết, đó là cá ngạnh, một trong những loại cá đặc sản của sông Đà và cũng là con cá đầu tiên mà anh câu được trong đêm nay. Nó chỉ là một con ngạnh thuộc loại nhỏ tầm 2 - 3 lạng. Những con lớn thường đạt khoảng từ 1 - 1,5kg. Giá của nó vào thời điểm hiện tại là 120 nghìn đồng/kg. Anh bảo cá ngạnh nấu canh chua là ngon nhất. Vào những ngày hè nóng nực như thế này mà bữa cơm có nồi canh chua cá ngạnh thì còn gì bằng.

Sau khi gỡ cá, anh Thuận mắc một miếng mồi khác vào lưỡi câu để tiếp tục công việc yêu thích của mình. Đó là một thứ bột thập cẩm có màu nâu sẫm được viên thành những miếng tròn như chiếc bánh trôi. Anh Thuận giảng giải, đó là loại mồi được dùng riêng cho cá ngạnh và chỉ có thể mua được loại tốt nhất ở một cửa hàng "ruột" có truyền thống làm mồi câu. Anh không nắm rõ công thức pha trộn cụ thể của món mồi này như thế nào, bởi đó là bí quyết riêng không thể tiết lộ của người bán nhưng thành phần của nó bao giờ cũng phải có trứng gà, trứng vịt, bột ngũ cốc, chuối, sữa chua, râu mực khô... Ngoài ra, cá ngạnh cũng rất ưa ăn mối và gián đất.

Thành phần trong một loại mồi câu có thể lên đến vài chục vị khác nhau tùy vào từng loại cá mà họ muốn câu. "Cá nào mồi ấy" là một trong những nguyên tắc cần ghi nhớ của người đi câu. Ví dụ, với cá mương, mồi câu thường có hai vị chính là cám chim và cám mè (cám thức ăn chăn nuôi dùng cho cá mè-PV) trộn lẫn với nhau cùng một số gia vị khác. Còn với những loại cá thông thường như trôi, trắm, chép, rô... thì có thể dùng nhiều loại mồi khác nhau như côn trùng (kiến, mối, ong, trùn...), hay bánh mì, bơ, pho mát...hoặc hoa quả (chuối, mít, hồng...). Nghe anh Thuận kể về việc dùng mồi, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, đi câu cũng là cả một nghệ thuật, đòi hỏi không ít công phu.

Thú vui đợi chờ

Đứng trên thành cầu lộng gió không người qua lại, nhìn ánh trăng trôi dần ra xa theo dòng nước, biết thời gian đang chậm chậm bước đi theo vòng quay bất tận, chỉ có những người câu cá vẫn ngồi ung dung, bất động giữa dòng đời. Một vài người thỉnh thoảng xòe bật lửa châm điếu thuốc, đốm lửa lập lòe làm sáng lên khuôn mặt đang trầm tư suy nghĩ. Tôi chợt nhận ra đã quá lâu, giữa bộn bề công việc, mình đã quên cần phải có những phút yên bình. Có lẽ đây mới là lý do thuyết phục nhất khiến những người câu cá đêm yêu thích thú vui này đến vậy.

Anh Thu đang câu gần đó vui vẻ cho biết, đêm nào chuông cần rung liên tục, anh câu được nhiều nhất cũng chỉ khoảng 1 - 2kg cá, đủ để làm một bữa lẩu mời bạn bè. Nhưng anh thường phải ra về với vài con cá nhỏ chỉ đủ vui cùng gió mát trăng thanh, thậm chí nhiều đêm chẳng được con nào dù đã buông cần đôi ba tiếng. Nhưng những người đi câu đêm như các anh trên khúc Đà giang này, được cá hay không chẳng nghĩa lý gì so với niềm vui tận hưởng những giây phút thanh nhàn sau ngày dài tất bật. Nhấp một ngụm trà xanh mang theo trong chiếc bình giữ nhiệt, anh Thuận tâm sự: "Với những người coi câu cá như một nghề, một kế sinh nhai, họ đi câu chỉ cốt để được cá. Còn với những người coi câu cá chỉ như một thú vui, một sở thích như chúng tôi thì đi câu cốt để được đợi chờ, được tìm thấy sự yên bình, tĩnh tại trong tâm hồn".

Công việc thường ngày của anh Thuận là lái xe tải, chở nguyên vật liệu cho các công trình, một công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ khiến anh luôn cảm thấy mệt mỏi sau những ngày làm việc căng thẳng. Nhưng mỗi tối khi thành phố bắt đầu chìm vào giấc ngủ, dòng sông trở nên yên ả, thanh bình hơn bao giờ hết, ngồi câu trong một không gian trong lành, khoáng đạt khiến anh cảm thấy vô cùng thư thái, mọi mệt nhọc đều tiêu tan cùng tiếng sóng vỗ bờ. Và sau những phút giây kiên nhẫn chờ đợi, cảm giác vui sướng, bất ngờ khi nghe tiếng chuông cần rung lên rộn rã như chính tiếng reo vui của tâm hồn khiến họ cảm thấy không gì có thể vui hơn những đêm dài được thức trong chờ đợi.

Nhiều đêm, thấy chồng lếch thếch trở về nhà với mớ đồ câu lỉnh kỉnh, cá chẳng thấy đâu, chỉ thấy quần áo ướt nhẹp, vợ anh dù rất dịu hiền vẫn không khỏi giận chồng ra mặt. Có lần, vợ anh nghe lời xúi bẩy của mấy bà hàng xóm rỗi việc, nghi ngờ anh mồm bảo đi câu nhưng lại làm việc ám muội nên đêm nào cũng lẽo đẽo theo dõi anh đến tận bờ sông. Sau vài lần ngồi ở bụi cây quan sát chồng, chẳng thấy gái lạ nào bén mảng xung quanh như lời đồn đại, lại bị muỗi đốt sưng cả mặt mày, vợ anh đành để chồng vui với thú vui riêng mà không dò xét gì nữa.

Trời đã về khuya, mấy người câu cá đêm thu dọn đồ đạc, lục tục ra về. Anh Thuận cũng thu cần, gói ghém mồi câu, thả con cá duy nhất câu được xuống sông để trở về cho kịp giấc ngủ muộn. Tôi cũng tạm biệt họ, xoay bước quay lại khách sạn khi cơn buồn ngủ đang ập đến.         

Như đã hẹn với dòng sông

Không chỉ những đêm trăng thanh gió mát, trời đẹp như đúc pha lê, ngay cả những đêm mưa lất phất, không gian lạnh ngắt như tờ, anh Thuận cũng ra sông, ôm cần đợi cá. Đối với anh, việc đi câu giống như một thói quen không thể thiếu mỗi ngày. Dù vui hay dù buồn, dù mưa hay nắng, anh vẫn xuất hiện ở vị trí ấy, vào thời điểm ấy như thể đã hẹn trước với dòng sông. Nhiều người bảo anh bị hâm mới ngồi dưới mưa câu cá.       

Người đưa tin
Đăng ngày 14/07/2013
Dương Dung
Đánh bắt

Người dân thất thoát trước quy định mới về đánh bắt cá ngừ

Nhiều ngư dân Việt Nam đang gặp khó khăn trước các quy định mới về kích thước tối thiểu khi khai thác cá ngừ vằn. Cụ thể, theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP, cá ngừ vằn chỉ được phép khai thác nếu đạt chiều dài từ 50cm trở lên. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, nhưng lại gây thiệt hại lớn cho ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Cá ngừ
• 14:13 22/10/2024

Ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống

Thời gian qua, sản lượng nuôi tôm hùm ở Việt Nam được duy trì ổn định đạt trên 3.200 tấn/ năm với hơn 180.000 lồng nuôi. Hai đối tượng nuôi chính là nuôi tôm hùm xanh (Panulirus hormarus) và tôm hùm bông (Panulirus ornatus).

Tôm hùm giống
• 14:49 26/09/2024

Kiên quyết xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" tại Việt Nam

Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn là một chủ đề quan trọng đối với Việt Nam - quốc gia có đường bờ biển dài và nguồn tài nguyên biển phong phú.

Tàu cá
• 10:11 23/09/2024

Bình Định: Sản lượng thủy sản tháng 8 năm 2024 tăng 614 tấn (tăng 2,2%) so cùng kỳ năm 2023

Theo Cục Thống kê Bình Định, tổng sản lượng thủy sản tháng 8 năm 2024 ước đạt 28.738,6 tấn, tăng 2,2% (tăng 614 tấn) so với cùng kỳ. Tính tổng cộng 8 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 201.433,1 tấn, tăng 2,7% (tăng 5.366,8 tấn) so với cùng kỳ.

Tàu thuyền
• 10:36 09/09/2024

Nuôi cá chạch lấu mang lại giá trị kinh tế cao

Trong những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Cá chạch lấu
• 00:25 27/10/2024

Phấn đấu ương dưỡng giống cá tra hao hụt dưới 85%

Ương dưỡng giống cá tra hiện nay, tỷ lệ hao hụt trên 90% và Cục Thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới giảm xuống dưới 85%, tỷ lệ cá sống đạt 15-20%.

Cá tra giống
• 00:25 27/10/2024

Tối ưu việc cho ăn giúp giảm hao hụt thức ăn khi nuôi tôm

Thức ăn trong nuôi tôm là yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng của tôm. Ngoài ra, chi phí thức ăn cũng chiếm phần lớn lượng vốn mà người nuôi bỏ ra. Chi phí này ảnh hưởng khá lớn đến năng suất và hiệu quả nuôi.

Cho tôm ăn
• 00:25 27/10/2024

Một số cách hạn chế tiếp xúc điện nguy hiểm ở ao tôm khi có mưa

Trong nuôi tôm, an toàn điện luôn là một yếu tố quan trọng, đặc biệt khi mưa gió xuất hiện, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố về điện. Do các thiết bị điện thường được sử dụng quanh ao tôm như hệ thống sục khí, máy bơm nước hay đèn chiếu sáng, người nuôi cần biết cách hạn chế tối đa rủi ro tiếp xúc với điện.

An toàn điện
• 00:25 27/10/2024

Nuôi nước trước, nuôi tôm sau: Bí quyết giúp tăng hiệu quả trong nuôi tôm

Chuẩn bị và quản lý nguồn nước trước khi thả tôm vào ao là một yếu tố vô cùng quan trọng, thậm chí có thể nói là yếu tố quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi. Câu nói “nuôi nước trước, nuôi tôm sau” đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều người nuôi tôm thành công.

Tôm thẻ
• 00:25 27/10/2024
Some text some message..