Theo nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan, trong đợt lũ năm ngoái, cửa biển An Hải (nơi đầm Ô Loan giao với biển) được khơi thông, lượng nước mặn tràn vào đầm lớn, tạo thuận lợi cho việc nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Những năm trước đây, cửa biển An Hải bồi lấp, nước đầm ô nhiễm, người nuôi tôm phải tốn nhiều tiền để cải tạo hồ.
Ông Phan Văn Minh, một người dân ở xã An Cư, có hồ tôm ở đầm Ô Loan, vừa thả nuôi 30 vạn con tôm sú, khá hồ hởi vì sau nhiều ngày theo dõi, tôm vẫn phát triển bình thường.
“Cách đây vài tháng, tôi cũng thả nuôi với mật độ tương tự nhưng tôm chết dần, đến nửa tháng sau không còn một con nào cả. Chi phí mỗi lần thả như vậy lên tới hơn 40 triệu đồng, bao gồm tiền công cải tạo hồ, con giống”, ông Minh nói.
Cũng thuộc xã An Cư, ông Nguyễn Sơn cho biết mấy năm trước rong giẻ, rong nhớt xuất hiện dày trên mặt đầm, khi già chết rục càng làm nguồn nước ô nhiễm nặng. “Cứ thế, rong chết lớp này hết lớp khác làm nước đầm ô nhiễm nặng, mấy năm liền đầm Ô Loan “đói” chỉ mang “bụng” nước, hồ nuôi tôm bỏ hoang”, ông Sơn nói.
Tuy nước đầm đã “no” trở lại nhưng người dân vẫn thận trọng, không thả tôm với mật độ dày như trước. Ông Trần Văn Tuấn, một người chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã An Hải, cho hay vụ năm nay ông chỉ thả 2 triệu con giống thay vì 50 triệu con như các vụ trước. Việc giảm mật độ nuôi cũng là giảm lượng thức ăn đổ xuống đầm, đồng thời giảm chi phí đầu tư, là đề phòng khi xảy ra rủi ro.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy An, đầm Ô Loan có diện tích mặt nước gần 1.250 ha, trong đó có trên 360 ha dùng để nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tạo nguồn thu nhập cho người dân 5 xã xung quanh là An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải và An Ninh Đông.