Có thể nói xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua là một trong những "trung tâm" đánh bắt, thu gom, mua bán...đỉa. Vấn đề này cần được thông tin, phân tích, làm rõ trong công tác quản lý kinh tế-xã hội.
Theo ông Phạm Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đình, trong hơn 10 thôn của xã, 2 thôn Đồng Hội và Giáp Giang có số lượng người tham gia thu mua và bắt đỉa nhiều nhất. Cả xã có khoảng 5 - 6 hộ thu mua và khoảng 100 hộ có người đi bắt đỉa để bán.
Người dân thu mua và tham gia bắt đỉa từ giữa năm 2012 theo từng thời kỳ chủ yếu vào dịp nông nhàn, nhất là mùa hè, mùa thu. Thấy chuyện không bình thường, xã đã báo cáo công an huyện Tam Đảo để xem xét, giải quyết.
Qua khai báo của người dân, chính quyền xã thấy rằng, số lượng thu mua của các hộ là rất lớn, bình thường mỗi hộ thu mua được từ 30 - 40 kg đỉa/ngày, thời điểm thuận lợi về thời tiết có hộ mua tới cả tạ đỉa/ngày.
Giá đỉa hiện tại bán cho các mối thu gom tại địa bàn xã Đại Đình lên tới 700.000 - 750.000 đồng/kg, trung bình mỗi người một ngày bắt được 0,8-0,9 kg đỉa, thu 500.000 - 600.000 đồng/ngày công, sau khi đã trừ các chi phí.
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Phó trưởng Công an xã Đại Đình, việc bắt đỉa của bà con địa phương thực hiện chủ yếu tại các địa bàn khác như Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang... Họ bắt đỉa về bán cho các mối thu gom là người địa phương, sau đó các đầu mối thu gom lại bán đi nơi khác, cho những đầu mối lớn. Việc thu mua đỉa để làm gì thì chính người đi săn bắt và các mối thu mua ở địa phương đều không hay biết.
Anh Lưu Văn Thắng, chủ một đầu mối thu mua đỉa ở thôn Đồng Hội, xã Đại Đình cho biết: Tại thôn Đồng Hội, thời điểm nông nhàn có tới 80% số hộ ở đây có người đi bắt đỉa. Bình quân mỗi ngày anh thu mua được từ 30-40 kg, thời gian nhiều có thể mua tới hàng tạ đỉa/ngày. Việc mua vào rồi bán ra kiếm lời rất khá, mỗi kg đỉa có thể lãi từ 30.000 - 50.000 đồng.
Anh Thắng còn cho biết, mỗi hộ thu mua gom đỉa ở địa phương đều cam kết và thỏa thuận ngầm rằng sẽ bán cho một chủ đặt hàng nhưng thực chất họ cũng chẳng biết chủ là ai. Một số đầu mối bán cho chủ ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, còn một số bán cho chủ ở tỉnh Quảng Ninh đặt mua và tất cả số đỉa thu gom cuối cùng sẽ được mang sang bên kia biên giới, xuất bán đi nước khác.
Do giá đỉa tăng cao và người thu mua cũng kiếm lời khá cao nên hiện nay cho dù bà con được tuyên tuyền, vận động không săn bắt, mua bán con vật này nhưng vì ham lợi nên nhiều người vẫn tham gia. Cả chục câu chuyện về săn bắt, mánh khóe trong buôn bán kinh doanh đỉa cũng xuất hiện. Theo một số người kinh doanh, đỉa có giá nên có người còn nghĩ ra cách cho đỉa ăn mỡ trâu, mỡ bò để tăng trọng lượng.
Về Đại Đình vào thời điểm này, khi đề cập tới chuyện săn bắt đỉa, buôn bán đỉa, có bao chuyện đồn đoán, hoài nghi. Có những nhóm người bảo bắt đỉa là tốt cho môi trường sinh thái, có lợi vì bán được nhiều. Nhóm người khác lại cho rằng săn bắt đỉa ồ ạt trên diện rộng khéo mà mang họa. Có ý kiến cho là thu mua đỉa phục vụ nghiên cứu hay y học, chứ không ai dại gì bỏ cả đống tiền để thu mua...
Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần làm rõ việc này để người dân hiểu, tránh những việc làm bất lợi./.