Ðiều lãnh đạo tỉnh quan tâm cũng là vấn đề các địa phương trăn trở. Trong khi tỉnh Cà Mau có diện tích khai thác, nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất, nhì khu vực và cả nước nhưng phải thường xuyên nhập giống thuỷ sản các loại. Hiện tỉnh mới chủ động khoảng 50% giống tôm.
Hiện tỉnh có trên 297.000 ha nuôi thuỷ sản; sản lượng thu hoạch năm 2016 ước đạt 285.000 tấn. Ðể nâng cao năng suất, sản lượng, các địa phương đã phải nhập mua hàng trăm triệu con giống. Trong đó chủ yếu là tôm, cua, cá chình, cá bống tượng, cá bổi.
Một thực tế cho thấy, khi nhập các loại giống thuỷ sản, chất lượng con giống khó được kiểm soát. Ðiều này ngành kiểm dịch giống cũng đã từng “báo khó kiểm soát”, phần vì nhân lực thiếu, công cụ, trình độ kiểm nghiệm chưa đảm bảo yêu cầu; phần vì con giống từ các địa phương tràn vào địa bàn tỉnh bằng nhiều con đường và giá thành thấp. Có lúc, giống tôm nhập tỉnh đường "tiểu ngạch" chỉ khoảng 10 đồng/con. Từ đó dẫn đến giống thả nuôi sau thời gian ngắn bị nhiễm bệnh và chết kéo dài, gây thất thu lớn và ảnh hưởng đến sản xuất.
Về cá chình, cá bống tượng, sặt bổi… cũng được người dân khắp nơi trong tỉnh thả nuôi. Nhu cầu giống cũng rất cao, song cũng phải tìm mua ở nơi khác. Chỉ một số ít nông dân nghiên cứu cho cá sinh sản và nhân đàn gây giống cho vụ sau, chủ yếu là cá bổi và bống tượng. Nhưng bằng cách này con giống không được tầm soát bệnh và loại tách những con mang mầm bệnh. Tính khoa học từ đó không cao.
Ðể thuần hoá các loại tôm, cua giống, nông dân “dưỡng” con giống mới được nhập về bằng biện pháp dèo lại khoảng 10-15 ngày. Tỷ lệ hao hụt cao, sau đó người dèo giống bán lại con giống với kích thước lớn hơn con giống ban đầu. Cách làm này cũng mang hình thức tự phát và bằng kinh nghiệm chứ việc kiểm chứng khoa học chưa đảm bảo.
Ngay cả diện tích rừng ngập mặn (cây đước) và rừng tràm (cây tràm) hàng trăm ngàn héc-ta nhưng sau mỗi vụ khai thác, ngoài tận dụng cây giống, trái giống tại chỗ thì nông dân (ngay cả các công ty lâm nghiệp) cũng phải tìm mua giống từ vùng Cần Thơ, Hậu Giang, Cần Giờ.
Giai đoạn 2017 trở về sau, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu 6 ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh: lúa chất lượng cao, keo lai, cá bổi, tôm sinh thái, cua biển và chuối. Trong 6 mặt hàng chủ lực này, hiện tỉnh chỉ mới chủ động cung ứng được giống keo lai; một phần giống tôm, cua.
Bên cạnh, để nâng cao chất lượng và sản lượng thuỷ sản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu năm 2017, các địa phương (cả các ngành tỉnh) không giao chỉ tiêu diện tích sản xuất mà nên giao chỉ tiêu sản lượng thu hoạch. Ðiều đó nhằm mục đích hướng người chăn nuôi, sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật với hàm lượng cao. Ðồng thời, nghiên cứu liên kết đảm bảo đầu ra không bị ứ đọng và bị động về giá./.