Để rừng ngập mặn phát triển bền vững Bài 1: Bảo vệ an toàn “lá chắn”

Rừng ngập mặn là “lá chắn” an toàn, là “lá phổi xanh” đang cần một cơ chế phù hợp để hồi sinh. Đời sống của cư dân dưới tán rừng, ven biển đang cần một bước ngoặt thay đổi cho phù hợp để theo đó rừng được bảo vệ và phát triển bền vững.

Vì mưu sinh, người dân ven rừng luôn gây áp lực lên rừng, làm nguồn tài nguyên này cạn kiệt dần. (Trong ảnh: người dân ven biển xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển đào tìm sâm đất dưới chân rừng). Ảnh: Chí Công
Vì mưu sinh, người dân ven rừng luôn gây áp lực lên rừng, làm nguồn tài nguyên này cạn kiệt dần. (Trong ảnh: người dân ven biển xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển đào tìm sâm đất dưới chân rừng). Ảnh: Chí Công

Rừng ngập mặn (RNM) Cà Mau từng được mệnh danh là “rừng vàng”. Ngày nay, trước biến đổi khí hậu, RNM như là “lá chắn” an toàn để bảo vệ cuộc sống và sản xuất của người dân ở một tỉnh có 3 mặt giáp biển như Cà Mau. Bảo vệ RNM là bảo vệ sự sống, bảo vệ sự phát triển bền vững.

Thế nhưng, sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), nhân dân trở lại địa phương, bắt tay vào sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, trong đó, có việc khai thác RNM. Từ sự khai thác quá mức, thiếu quản lý chặt chẽ của ngành chức năng, diện tích RNM ở Cà Mau ngày càng bị teo tóp.

“Máu” rừng chưa thôi chảy

Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay diện tích RNM toàn tỉnh còn khoảng trên 64.000 ha so với 100.000 ha đất có rừng trước ngày đất nước thống nhất, nghĩa là giảm từ 30-40%. Ông Năm Phong (Nguyễn Tấn Phong), ấp Láng Tròn, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, nhớ lại: “Gần 60 năm gắn bó với vùng đất này, tôi đã chứng kiến bao đổi thay. Trước đây, ở vùng này rừng đước bạt ngàn, nhưng nay, nhiều nơi chỉ còn vài khóm đước le hoe. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “máu” rừng chảy đến cạn kiệt, nhưng cốt lõi vì cuộc sống nghèo khó, vì “chén cơm manh áo” nên “lâm dân” mới phá rừng”.

Hiện nay, tình hình phá rừng, hầm than trái phép vẫn còn diễn ra ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và một số khu vực thuộc rừng phòng hộ ven biển. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phát hiện và xử lý 393 vụ vi phạm quản lý và bảo vệ rừng, tăng 103 vụ so cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, con số này thực tế còn cao hơn rất nhiều, bởi đằng sau những thảm rừng san sát là bao phận người chỉ biết sống bám vào biển, vào rừng. Họ xem rừng là “nồi cơm”, là mảnh đất “mưu sinh” màu mỡ.

Khôi phục lại màu xanh rừng đước.  Ảnh: Thanh Dũng

Diện tích RNM suy giảm nghiêm trọng kéo theo hệ lụy “vựa” thuỷ hải sản cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt. Ông Năm Phong chua xót: “Hồi đó cá tôm vùng này nhiều vô số kể. Chỉ cần quăng một chài, giăng một tay lưới, đặt một cái đó, cái lú là năm bảy người ăn không hết. Còn bây giờ, mọi thứ đều cạn kiệt, tôm tép nước có, nước không, cá mắm kiếm đủ ăn hằng ngày còn khó”.
Minh chứng cho việc diện tích RNM suy giảm nghiêm trọng nên nguồn lợi hải sản tự nhiên cũng không còn dồi dào như trước kia, ông Lê Công Uẩn, Thư ký Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển, khẳng định, do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp nên môi trường sinh thái suy thoái dẫn đến nguồn lợi thuỷ hải sản cũng cạn kiệt.

Năm 1994, vùng này xảy ra dịch bệnh trên tôm do môi trường thay đổi. Từ đó, nguồn thuỷ hải sản tự nhiên bắt đầu khan hiếm, không được tái sinh như trước. Từ năm 1995 đến nay, dân nuôi tôm vùng này phải thả tôm cua giống vào vuông mới mong có thu hoạch.     

Không thể thiếu rừng

Những năm qua, thiên tai, nước biển dâng, biến đổi khí hậu gây ra nhiều tổn thất nặng nề đối với tỉnh Cà Mau. Nguyên nhân sâu xa của những tổn thất này được xác định do diện tích RNM bị suy giảm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại hội thảo khoa học “Xây dựng nông thôn mới - ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực ven biển ĐBSCL” diễn ra cuối tháng 11 năm nay cho thấy, trong vòng 11 năm qua (2001-2011), có đến 88 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên địa bàn tỉnh, làm 167 người thiệt mạng, 183 người bị thương, 82 người mất tích. Thiên tai làm cho trên 2.400 căn nhà bị sập, trên 4.300 căn nhà bị tốc mái, 165 căn nhà sụp lở.

Hiện có khoảng 6,4 km đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Trước đây, rừng ven đê biển Tây có chiều rộng 200 m trở lên. Nhưng nay do ảnh hưởng của quá trình sạt lở chỉ còn khoảng 80 m, có đoạn bị sạt lở sâu còn 30 m. Vấn nạn hạn hán, xâm nhập mặn năm sau luôn cao hơn năm trước, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Hằng năm, nạn xâm thực vào đất liền cuốn đi rừng cây ven đê, đe doạ trên 400 ha đất sản xuất của người dân. Ước tính toàn tỉnh mỗi năm có khoảng 120 ha đất ven biển bị sạt lở. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 8 cửa biển và hàng chục cửa sông có nguy cơ sạt lở cao và đe doạ trực tiếp đến 3.600 hộ dân đang sinh sống.

Từ những tác động tiêu cực của thiên tai, nước biển dâng, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra cho thấy, việc bảo vệ đê biển và các vùng ven biển là vấn đề cấp thiết nhất đối với một tỉnh có 3 mặt giáp biển như Cà Mau.

Theo các nhà nghiên cứu, để ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại bởi những tác động tiêu cực trên, giải pháp căn cơ nhất là khôi phục diện tích rừng, trong đó RNM đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, RNM có vai trò bảo vệ đê biển, đất bồi, chống xói lở, hạn chế xâm nhập mặn và góp phần điều hoà môi trường sinh thái.

Thế nhưng thời gian qua, việc khôi phục diện tích RNM của tỉnh chưa đạt yêu cầu, chưa thật sự tìm ra cơ chế khôi phục rừng một cách phù hợp, còn người dân thì thờ ơ với chuyện trồng rừng. Anh Võ Thành Trung, ấp Bông Súng, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, thừa nhận, thời gian gần đây, cây đước có giá nên nhiều người có ý định trồng.

Nhưng trước đây, bắt buộc trồng thì dân phải trồng nhưng không chăm sóc nên tỷ lệ sống không cao. Hiện theo quy định tỷ lệ 60% diện tích đất rừng, 40% diện tích đất nuôi tôm người dân khó lòng thực hiện, nhất là đối với những hộ có diện tích đất nhỏ.

Về vấn đề này, ông Lê Công Uẩn lo lắng: tỷ lệ 60% rừng, 40% tôm đối với hộ có diện tích đất từ 5 ha trở lên thì phù hợp, còn từ 5 ha trở xuống thì không phù hợp, dân sẽ phá rừng để nuôi tôm, nhưng đối tượng này lại chiếm số đông.

Còn nếu giao đất rừng cho dân quản lý thì tin chắc một điều rừng sẽ không còn. Ngược lại, duy trì cách quản lý như trước đây rừng cũng sẽ không khôi phục lại được bao nhiêu, đời sống người dân dưới tán rừng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế đó, Nhà nước cần phải tính toán lại tỷ lệ rừng - tôm, phân định rạch ròi đâu là rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt, đâu là rừng khai thác… Và theo đó, cần nhiều cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa thì mới mong khôi phục lại diện tích RNM như trước kia, cuộc sống của người dân dưới tán rừng mới phát triển ổn định./.

baocamau.com.vn
Đăng ngày 07/12/2012
Trọng Phúc
Môi trường

Tuyên truyền pháp luật về biển, đảo cho ngư dân các xã ven biển

Trong 03 ngày, từ 22 – 24/4/2024, tại các xã Cát Tiến, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn), Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định tổ chức tuyên truyền một số văn bản pháp luật quy định về biển, biên giới trên biển và các vấn đề có liên quan đến biển, đảo cho ngư dân các xã ven biển trên địa bàn tỉnh.

Biển đảo Việt Nam
• 11:28 23/04/2024

Giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu đến hoạt động nuôi trồng thủy sản

Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn đối với sản xuất lương thực toàn cầu - bao gồm thủy sản và nuôi trồng thuỷ sản. Nó trực tiếp tác động, làm thay đổi các yếu tố môi trường sinh thái của động vật thủy sản ngoài tự nhiên và trong ao nuôi, do đó ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản
• 10:11 23/04/2024

Bảo hiểm nuôi trồng thủy sản

Bảo hiểm nuôi trồng thủy sản là thỏa thuận giữa người nuôi, trồng thủy sản và công ty bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra tổn thất/thiệt hại với thủy sản do sự cố/rủi ro cụ thể được xác định trước khi bắt đầu tham gia bảo hiểm, công ty bảo hiểm đồng ý bồi thường một khoản tiền nhất định cho nông dân đã mua bảo hiểm cho loại thủy sản đó.

Ao tôm
• 10:35 19/04/2024

Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 04/4/2024 về Kế hoạch Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 – 2030, Kế hoạch này do Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai thực hiện.

Tàu thuyền
• 11:43 18/04/2024

Ban Bí thư chỉ thị quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong năm 2024

Ngày 10/4/2024, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ký Chỉ thị số 32-CT/TW về việc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.

Tàu cá Việt Nam
• 03:21 25/04/2024

Xả kho - Không lo vận chuyển

Hàng loạt ưu đãi hấp dẫn diễn ra trong tháng này, cùng eShop mua hàng Không lo về giá nhé!

Chương trình khuyến mãi
• 03:21 25/04/2024

Công nghệ nuôi cá “sông trong ao”

Ngày 22/4/2024, Trường Thủy sản - Đại học Cần Thơ phối hợp Hội đồng xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ (USSEC) tổ chức hội thảo về công nghệ nuôi cá “sông trong ao”. Tham dự có Hiệu trưởng Trường Thủy sản Vũ Ngọc Út và nhiều giảng viên, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hộ nuôi cá ĐBSCL.

Cá rô phi
• 03:21 25/04/2024

Triển khai nuôi hải sâm thương phẩm tại làng chài Nhơn Hải

Nhằm đẩy mạnh phát triển nuôi biển, đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản ,nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân, mới đây, Sở KH&CN Bình Định đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm hải sâm cát tại xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn do Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn chủ trì thực hiện và HTX Dịch vụ - Du lịch – Thủy sản Nhơn Hải là cơ quan phối hợp chính tổ chức thực hiện.

Hải sâm
• 03:21 25/04/2024

Nguyên nhân nào làm tôm bị vàng gan?

Gan là bộ phận quan trọng trên cơ thể tôm, nếu gan tôm phát sinh vấn đề như bị vàng gan sẽ khiến tôm chết hàng loạt. Vậy làm sao để xác định nguyên nhân tôm bị vàng gan, cách phòng ngừa và điều trị như thế nào để khắc phục tình trạng trên, cùng tìm hiểu với Tép Bạc qua bài viết dưới đây nhé!

Gan tôm bị vàng
• 03:21 25/04/2024