Nâng cao giá tôm nhờ lú
Theo anh Hiền, loại lú bắt tôm “còi” mà anh mới làm ra là loại chỉ bắt được tôm cỡ nhỏ, không bắt được những con tôm có kích cỡ lớn. Mới nghe qua, nhiều người cảm thấy hơi ngược đời. Bởi từ trước đến giờ, người dân chỉ biết hai loại: lú dày, ráp mặt chỉ nhỏ, để bắt các loại tôm, cua, cá... đủ kích cỡ; lú thưa, ráp mặt chỉ lớn, bắt được tôm, cua, cá... cỡ lớn, cỡ nhỏ không bắt được. Vì vậy, việc anh Hiền làm được cái lú chỉ bắt tôm cỡ nhỏ thì khiến nhiều người dân ngạc nhiên.
Trước sản phẩm này, anh Hiền cũng đã chế tạo thành công loại lú thưa có khả năng bắt được nhiều tôm cá, và hạn chế tối đa tình trạng cua cắn lú. Từ nhiều năm nay, các hộ nông dân nuôi tôm thường bị ép giá khi thu hoạch kích cỡ không đồng đều, từ đó làm hạ thấp giá bán, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Nên khi lú bắt tôm còi của anh ra đời đã giải quyết phần nào những khó khăn mà người nuôi tôm công nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nhận định.
Chiếc lú thường có chu vi khoảng 9,5 m, với chiều sâu là 1,2 m (kích cỡ có thể thay đổi theo yêu cầu của từng người dân). So với cách bắt tôm nhỏ mà người nuôi tôm trước hay sử dụng: treo “mèo dừa” (bông dừa khô) xuống ao nuôi, cho tôm nhỏ bám vào, dùng vợt lưới cỡ lớn xúc tôm, nhằm sàng lọc dần số tôm nuôi bị còi cọc, chậm lớn. Cách làm ấy vừa tốn công sức, vừa mất nhiều thời gian nhưng hiệu quả mang lại không cao. Thì chiếc lú của anh có hiệu quả bắt tôm còi (tôm tre) đến 90%.
Tuy nhiên, để có được sản phẩm độc đáo này thì không phải làm một lần là được. "Lúc đầu, lú chỉ bắt được 10/100 kg tôm còi. Nhưng do gia đình không nuôi tôm nên lúc tạo ra cũng phải năn nỉ các chủ đầm tôm để họ cho đặt lú thử nghiệm, có khi mất vài lít rượu để "hối lộ" chủ đầm tôm, Anh Hiền hài ước kể.
Hiệu quả bất ngờ
Đúng là trời không phụ lòng người, sau nhiều lần thất bại với hiệu quả bắt tôm còi thấp anh đã thay đổi, sửa chữa để nó bắt được lượng tôm còi như hiện nay. Để bắt được những con tôm còi cọc, chậm lớn trong đầm nuôi công nghiệp, lú bắt tôm “còi” phải được đặt ngược với dòng nước chảy và cách hệ thống quạt nước khoảng 5-7m. Khi quạt nước khởi động, tôm nuôi trong đầm di chuyển mạnh hơn, số tôm nhỏ sức yếu sẽ bị trôi vào lú, còn tôm lớn đủ sức bơi ngược dòng thì không trôi vô lú được. Nếu có bị cuốn theo dòng nước thì tới miệng cũng bị chặn lại, búng bật trở ra. Nói chung là đi hướng nào thì tôm còi cũng "dính lú", anh Hiền vui vẻ chia sẻ.
Giá của nó 450.000đồng/ lú, mỗi ngày gia đình anh làm được 4 - 5 cái/ngày mà vẫn không đủ bán. Nên khi người dân muốn mua phải đợi cả tháng mới có. Điều đặc biệt, cũng đã có nhiều người thử làm nhái loại lú này nhưng đều không có khả năng bắt tôm còi như của anh được. Một chiếc lú có thể sử dụng được khoảng 1 năm, nếu đầm tôm có xử lý hóa chất thì sẽ nhanh hỏng hơn.. Cho đến nay, anh cũng đã bán được vài trăm chiếc. Chờ đến khi lú bắt tôm còi được đăng ký sở hữu trí tuệ anh sẽ mở rộng sản xuất, anh Hiên Hiền cho biết thêm. (Do anh Hiền đã bán rộng rãi, nên không thể đăng ký sáng chế được vì sẽ bị mất tính mới mà chỉ có thể đăng ký nhãn hiệu chẳng hạn, còn nếu muốn được cấp Bằng độc quyền sáng chế, anh cần cải tiến tiếp chiếc lú bắt tôm còi và nộp đơn đăng ký sáng chế cho Cục SHTT trước khi bán ra thị trường).
Điều này cũng được cơ quan địa phương ủng hộ và tạo điều kiện. Anh Hồ Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Đức cho hay: Địa phương luôn tạo mọi điều kiện để anh Hiền mở rộng sản xuất, có công ăn việc làm ổn định, góp phần tăng năng suất cho mô hình nuôi tôm công nghiệp tại địa phương và các hộ nuôi tôm tại ĐBSCL.