Hiện toàn tỉnh này cũng có 8,1 nghìn ha nuôi trồng thủy sản. Ngành nuôi trồng này đang chuyển hướng nuôi theo quy trình an toàn, xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng. Các cơ quan chức năng chú trọng công tác kiểm soát, đảm bảo các cơ sở cung cấp giống tại địa phương đạt tiêu chuẩn chất lượng con giống tốt. Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 4 vùng nuôi VietGAP đã được chứng nhận tại các huyện là Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu và Nhơn Trạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát hiện trạng, điều kiện hiện tại để tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi thủy sản VietGAP.
Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã ký quyết định phê duyệt Dự án Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Khu nuôi thủy sản tập trung này có diện tích hơn 700ha, trong đó, khu nuôi tôm nước lợ có diện tích 682ha và khu nuôi hàu là 21ha với tổng kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật toàn khu là hơn 226 tỷ đồng, trong đó, bao gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước và từ các thành phần kinh tế khác.
Dự án được xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của huyện Nhơn Trạch phát triển theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Dự án sẽ ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, các tiêu chuẩn mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, tạo sản phẩm hàng hoá có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn, đồng thời tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng mực nước biển dâng.