Theo Dự báo tôm toàn cầu của FAO, sản lượng tôm nuôi toàn cầu năm 2011 chỉ đạt 2,5 triệu tấn, giảm gần 20% so với năm 2010 do nguồn cung từ Châu Á sụt giảm. Tuy nhiên, với vụ thu hoạch tôm nuôi mới ở một số nước Châu Á trong tháng 4 và tháng 5 này, dự báo nguồn cung tôm sẽ hồi phục và giá sẽ giảm bớt.
Báo cáo cũng cho rằng nhập khẩu tôm vào Mỹ vẫn tốt và nhập vàp liên minh châu Âu sẽ không quá khó khăn.
Tại Mỹ, nhu cầu tiêu dùng tăng đã khuyến khích nhập khẩu tôm nhiều hơn. Tại EU, thời tiết lạnh cùng với nền kinh tế vẫn còn yếu đã tác động không nhỏ tới tiêu thụ tôm mặc dù giá bán tôm ổn định trong suốt 3 tháng đầu năm 2012. Nhập khẩu tôm vào khu vực này giảm 1,2% xuống còn 610.000 tấn năm 2011 mặc dù Tây Ban Nha, Italy và Anh đều tăng nhập tôm.
Đồng yên mạnh cùng với nhu cầu tăng đối với các sản phẩm tôm chế biến góp phẩn đẩy mạnh nhập khẩu tôm vào Nhật Bản. So với năm 2010, nhập khẩu tôm vào Nhật Bản năm 2011 tăng 1,6% lên 285.300 tấn, trong khi vào Trung Quốc giảm 7,8% xuống còn 53.000 tấn.
Nhu cầu nội địa đối với tôm tươi tăng lên ở một số nước sản xuất tôm như Ấn Độ. Một số nước Châu Á đẩy mạnh nhập tôm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng như Hàn Quốc, Malaixia, hoặc để đáp ứng nguyên liệu cho chế biến như Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, nhập khẩu tôm đông lạnh vào Trung Quốc và Hồng Kông giảm.
Trong các tháng tới, dự báo sản lượng tôm chân trắng của Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam sẽ tăng. Sản lượng tôm chân trắng của Thái Lan năm 2012 có thể tăng tới 700.000 tấn. Sản lượng tôm sú của Ấn Độ có khả năng giảm khoảng 40 - 50% xuống còn 60.000 - 70.000 tấn nhưng sản lượng tôm chân trắng của nước này lại tăng mạnh, dự kiến đạt 100.000 tấn, tăng 30% so với năm 2011.
Sản lượng tôm chân trắng của Việt Nam cũng được dự báo tăng nên sẽ tác động mạnh đến giá tôm, nhất là tôm cỡ trung.